(Baonghean) - Thường, khi viết về một miền đất gắn với những huyền sử xa xưa, để dẫn dắt người đọc cùng lần giở những trang tích cổ bằng chữ, bằng giọng văn thiết tưởng không là điều dễ. Đến với đất xưa mà nói thêm chuyện nay, lại càng khó. Nhưng, đọc bài viết "Nếp cổ làng Mai Bảng", chợt nghĩ dường như tác giả Đình Sâm ít nhiều đã mở được đôi phần cánh cửa giao cảm ấy từ làng đến với người đọc. Đây cũng là lý do mà tuần qua, bài viết này nhận được số phiếu bình chọn bài hay cao thứ 2.
 
Nếu ai đã đến, đã mến vùng đất Cửa Lò, thì sẽ thấu hiểu hơn một vùng đất với trầm tích lớp lớp những huyền sử đẹp đẽ. Nơi đây có núi Rồng, từ xưa dân gian gọi là Rồng Xá Hải “Vênh râu nhả ngọc phun lộc nước”, không chỉ “nhả ngọc” thành đảo Lan Châu (tức Lèn Chu) mà còn nhả ngọc thành nhiều ngọn núi lớn nhỏ xung quanh đầu rồng, hai bên cửa Cấm được dân gian từ lâu đời đặt thành tên như núi Cờ, núi Kiếm, núi Áo, núi Mão, núi Bảng, hòn Thỏi Mực, núi Voi, núi Ngựa... Những ngọn núi mang dáng dấp và hào khí của những văn thần, võ tướng tạo nên một vùng văn hóa được đúc kết trong bốn chữ “nhân sơn quần tụ”. Dân gian bao đời đều tin rằng, với mảnh đất “nhân sơn quần tụ, lưỡng long chầu" không chỉ là “thắng địa” mà còn là “địa linh tất sinh nhân kiệt”. Và thực tế lịch sử đã sản sinh trên mảnh đất này bao võ tướng, văn thần, danh y... họ là những con người kiệt xuất. Vì thế cũng từ lâu vùng đất này còn được mệnh danh có những con người “văn giành đỉnh bút, võ chiếm đề đao, nền y học hiếm nơi nào sánh kịp”. 
 
Mai Bảng là một miền đất cổ, nhưng nơi đây cũng là một làng chài với tất cả những rộn rã âm điệu của cuộc sống hôm nay. Trong bài viết này, tác giả đã khéo dẫn giải người đọc tìm đến làng từ câu chuyện của đền thiêng thờ Chiêu Trưng Vương Lê Khôi. Ta có cảm giác hồi nhớ lại tiếng trống trận thưở xưa đại vương giong cờ kéo quân qua nơi cửa bể đi đánh dẹp giặc Chiêm Thành qua đội trống hội của người làng Mai Bảng hôm nay đang chuẩn bị cho lễ cầu ngư nơi phường bạn Nghi Hải. Hay trong nén hương bảng lảng linh thiêng của cụ thủ từ đền làng Mai Bảng Nguyễn Quang Vinh cầu cho phóng viên "dồi dào bút lực" mà đặng dìu người đọc về với chốn linh thiêng này để vọng tưởng. Rồi người ngư dân vừa xong chuyến biển, đã thành kính lên đền thắp nén hương ngày Rằm cung kính, cầu chuyến khơi sau được an lành may mắn. Ở phía làng, tiếng náo nức của chiều về xóm chài, mùi cá nướng thơm nồng nàn...Trong bài viết, ta như thấy truyền thuyết hư ảo và cuộc sống hôm nay quyện chặt, đan xen, quấn quýt bên nhau.
 
Một Mai Bảng với ngư phủ Trương Thanh Thúy có chiếc tàu xa bờ vạm vỡ công suất 400CV vẫn tiếc rẻ vì nhà báo không về đúng cữ “mưng mửng sáng để được gặp một làng chài tấp nập thuyền về trong mờ mịt hơi sương biển với tôm, cá đầy khoang hay đôi khi chỉ con moi, con khuyết mà vẫn gợi nỗi niềm đại dương mặn mòi đến nao lòng”. Hay cùng nghe chị Nguyễn Thị Lưu kể chuyện 15 năm gắn bó với nghề sấy tôm nõn mà ngất ngây với thứ mùi vị thơm đến tứa nước kẽ răng của thứ sản vật tinh túy mà biển hào phóng tặng đời đang được chị và công nhân luộc, sấy thoăn thoắt trên hệ thống lò hiện đại cho ra hàng tạ sản phẩm mỗi ngày. 
 
Rồi thoáng đấy, ta lại được theo chân tác giả mà trò chuyện cùng cậu sinh viên trường đại học về ngày khởi phát của du lịch Cửa Lò từ đầu thế kỷ trước. Ngày đó, Cửa Lò mới chỉ có tên là kualo hay có khi gọi theo cách của người địa phương khi nhìn ánh lửa bập bùng của những người diêm dân nấu muối trong lò mà thành tên gọi xứ biển hôm nay. Ngày đó, những biệt thự đơn lẻ ban đầu của người Pháp đã  kéo dài theo hàng dương bám biển từ Lan Châu mơ mộng cho đến địa phận làng Mai Bảng bây giờ với ngói Mác-xây, cửa sổ gỗ lim, gạch lát hoa thị kiểu cách. 
 
Tác giả đã rất khéo khi đặt câu hỏi "Không biết người làng Mai Bảng nay có ai là hậu duệ của một trong những người dân địa phương mà trăm năm trước được người Pháp trong coi khách sạn mà họ xây dựng hay không?". Để rồi, tác giả trả lời, rằng nơi ngày xưa mà người Pháp đã từng xây 10 khách sạn, nay đã là dãy hàng quán bán chính những đặc sản do người Mai Bảng chế biến. Đó là thứ nước mắm sanh sánh màu cánh gián do người phụ nữ làng thắt đáy lưng ong tảo tần mà cất nên hương vị đậm đà khó tả như đã dồn cả tâm huyết, mặn mòi xứ biển vào đó. Là mắm ruốc đã vang danh, cá thu nướng tươi ngon đã từng được bay sang xứ bạn. 
 
Đi suốt bài viết dài chừng trên 2.000 chữ của tác giả mà người đọc vẫn không cảm thấy "mệt" chút nào. Bởi lẽ, cái ý vị của câu chữ mềm mại mà chuyển tải được hồn cốt của vùng đất hay sự hòa quyện chuyện xưa trầm tích trong râm ran của chuyện làng nghề cổ hôm nay đã khiến ta trôi mê mải cùng câu chuyện về "một nếp cổ làng nghề Mai Bảng".
 
Người Xây Dựng