Tiếc nuối vì cây xanh lâu năm bị chặt bỏ

Từ 2 ngày nay, hình ảnh về 2 cây xà cừ có tuổi đời hàng chục năm của Trường THPT Nghi Lộc 2 bị chặt bỏ gần như hết các cành lá khiến nhiều thế hệ học sinh và giáo viên tiếc nuối. Sự việc chặt đốn cây có lẽ không gây nên phản ứng nếu như quá trình triển khai nhà trường có sự cân nhắc và lựa chọn hình thức hợp lý như chỉ chặt những cây đã mục ruỗng, hư hỏng hoặc chỉ tỉa bớt cành.

Cây xà cừ hàng chục năm tuổi ở Trường THPT Nghi Lộc 2 đã bị cắt tỉa gần hết các cành, lá. Ảnh: PV

Việc chặt 2 cây đang xanh tốt tỏa bóng mát nằm ngay giữa sân vào thời điểm thời tiết nắng nóng là điều bất hợp lý. Các ý kiến xung quanh sự việc này cũng cho rằng, ở các trường học, cây xanh không chỉ là nơi tạo nên cảnh quan, bóng mát mà còn gắn với hình ảnh của ngôi trường và ký ức của rất nhiều thế hệ giáo viên và học trò. Do đó, việc chặt bỏ cây cần phải có sự chọn lọc.

Hai cây xà cừ ở Trường THPT Nghi Lộc 2 bị đốn chặt nhiều cành. 


Việc chặt cây xanh không có sự cân nhắc này cũng đi ngược lại chủ trương của Bộ và của Sở Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, để hệ thống cây xanh đảm bảo an toàn, Sở đã yêu cầu các nhà trường trong quá trình triển khai phải rà soát và chỉ xử lý những cây bị nghiêng, có hiện tượng mối mọt.

Những thân cây sau khi bị chặt bỏ ở Trường THPT Nghi Lộc 2. Ảnh: M.H

Riêng với những cây lâu năm cần lưu ý việc cắt tỉa cành, nhánh cây, cắt bỏ những nhánh mục, hư hỏng, tránh tình trạng cây gãy đổ có thể gây tai nạn.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sau khi sự việc này xảy ra, Sở đã trực tiếp làm việc với nhà trường và khẳng định việc chặt cây lâu năm của nhà trường là chưa phù hợp, chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của ngành.

Sân trường trơ trọi và nắng gắt sau khi cây xanh bị chặt bỏ. Ảnh: M.H

Nên chăng, trước khi đốn hạ cây xanh, nhà trường cần tham khảo ý kiến của một số chuyên gia và có sự bàn bạc thống nhất trong nhà trường. Hiện chúng tôi cũng đề nghị nhà trường rút kinh nghiệm và sớm có giải pháp để lựa chọn cây trồng thay thế hợp lý trong khuôn viên sân trường.

Rà soát lại toàn bộ cây xanh trong trường học

Những ngày qua, sau sự cố đáng tiếc tại thành phố Hồ Chí Minh khiến 1 học sinh tử vong và nhiều học sinh khác bị thương, việc đảm bảo an toàn cây xanh ở các nhà trường được đặt lên hàng đầu.

Các năm trước, Trường Tiểu học Nghi Tân (thị xã Cửa Lò) thường phối hợp với chính quyền rà soát lại toàn bộ cây xanh và cắt tỉa cành lá trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nhà trường đang cân nhắc sẽ chặt bỏ một số cây xanh đã lâu năm và có thể gây nguy hiểm, trong đó có 2 cây xà cừ khá lớn, 1 cây nằm ở bên trái cổng trường và 1 cây nằm trước sân 1 lớp học. 

Việc có khá nhiều cây với tuổi đời trên 30 năm ở Trường Tiểu học Nghi Tân khiến nhà trường lo lắng sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của trẻ. Ảnh: MH

Cô Hoàng Thị Trâm - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghi Tân cho biết: Việc xử lý cây xanh phải có sự tham khảo của địa phương và các chuyên gia. Trước mắt chúng tôi sẽ thẩm định lại và nếu xem xét thấy cây không thực sự cần thiết thì chúng tôi sẽ cắt bỏ cành to để phụ huynh yên tâm và cũng thể hiện trách nhiệm của nhà trường với học trò.

Tại Trường Tiểu học Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn), sau khi nhận được văn bản của Sở, Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã họp và thống nhất cắt tỉa một số nhánh to của 3 cây phượng nằm ở giữa trung tâm sân trường.

Những cây phượng đã phải tỉa bớt cành tại Trường Tiểu học Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn). Ảnh: M.H
Một cây phượng khác phải cắt bỏ cành tại Trường Tiểu học Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn). Ảnh: MH

Cô giáo Hoàng Thị Chi Lan - Hiệu trưởng nhà trường nói thêm: Thời điểm này, phượng đang ra hoa nên khi phải cắt bỏ các nhánh cây chúng tôi thực sự tiếc nuối.  Mặc dù vậy, theo tôi, việc này là cần thiết, vì cách đây vài năm 1 cây phượng trong trường cũng đã bị gãy nhưng rất may không xảy ra sự cố.

Ở Trường THPT 1/5 cũng có khá nhiều cây xanh lâu năm. Tuy nhiên, thay vì chặt bỏ hoàn toàn, nhà trường đã mời công ty chuyên về cây xanh ở thành phố Vinh về cắt tỉa hợp lý. Hiện sau 1 năm, các cây vẫn phát triển bình thường và vẫn đảm bảo thẩm mỹ cho khuôn viên sân trường.

Nhiều cây xanh đã có hiện tượng mối mọt từ nhiều năm, vì vậy, nếu không cắt tỉa sẽ tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Ảnh: M.H

Qua tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này khá nhiều trường trên địa bàn toàn tỉnh đã tiến hành rà soát cây xanh và một số trường đã tiến hành cắt bỏ. Tuy nhiên, ngoài Trường THPT Nghi Lộc 2, ở các trường còn lại việc cắt bỏ khá phù hợp và Sở chưa nhận được phản hồi tiêu cực nào.

Qua sự việc đáng tiếc đã xảy ra, Sở cũng yêu cầu các nhà trường chủ động và linh hoạt trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến cây xanh. 

Trong đó, một mặt việc chặt bỏ cây xanh là để đảm bảo an toàn  nhưng vẫn phải đảm bảo tạo bóng mát và giữ được khuôn viên xanh trong các nhà trường. Ngoài ra, các trường cũng cần có các phương án để bảo vệ cây xanh, xem đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong năm học, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”./.