Sáng 5/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với 62 điểm cầu trong cả nước. Đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì đầu cầu Hà Nội.
Về phía đầu cầu Nghệ An có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng đại diện một số sở, ban, ngành liên quan.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức với nhiều nét mới và các địa phương sẽ chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Kỳ thi tốt nghiệp THPT là một trong những kỳ thi chất lượng nhất và nghiêm túc nhất trong 12 năm phổ thông nhằm đánh giá chất lượng trên diện rộng để kiểm tra mức độ đánh giá chuẩn đầu ra của chương trình phổ thông.
Bên cạnh đó, kỳ thi còn là căn cứ để công nhận tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 và là căn cứ quan trọng để các địa phương thấy được chất lượng phổ thông của địa phương mình trên mặt bằng chung cả nước. Năm nay, kỳ thi còn là căn cứ xét tuyển các trường đại học, cao đẳng.
Với ý nghĩa đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 phải đáp ứng yêu cầu chất lượng và công khai minh bạch.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi năm nay được triển khai theo tinh thần đổi mới của Nghị Quyết 29 và từng bước ổn định. Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT để công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng dựa trên nhiều căn cứ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến ngành và làm đảo lộn kế hoạch giáo dục.
Với nhiều điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT và quy chế thi, ngoài nhiệm vụ chỉ đạo chung, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải làm tốt công tác đảm bảo kỳ thi an toàn, trước tiên là về chất lượng đề thi, vấn đề bảo mật, công tác thanh tra, giám sát và cung cấp phần mềm quản lý thi và chấm trắc nghiệm.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông qua Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020, khung thời gian kỳ thi và một số đổi mới về công tác thanh tra thi năm 2020. Theo đó, năm nay, ngoài lực lượng thanh tra của địa phương, của các trường đại học sẽ có thêm thanh tra Chính phủ cùng tham gia công tác thanh tra tuyến.
Để kỳ thi được tổ chức thuận lợi, an toàn, đúng quy chế, các đại biểu ở các điểm cầu cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp. Tại điểm cầu Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đã đồng tình với các phương án chuẩn bị của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, tỉnh cũng có 3 kiến nghị tập trung vào phần mềm thi, công tác thanh tra, cách tính điểm liệt.
Cụ thể, cần sửa đổi, nâng cấp phần mềm quản lý thi để tránh hiện tượng thí sinh nhập thay đổi nguyện vọng nhưng gặp sự cố về điện, về nghẽn mạng nên chưa được lưu vào máy chủ dẫn đến thí sinh không có tên trong danh sách trúng tuyển. Bên cạnh đó, cần cải tiến phần mềm chấm thi trắc nghiệm, cải tiến biên bản sửa lỗi bài thi nhằm cho phép thống kê tình trạng soát bài thi để kiểm soát được tình trạng soát thiếu, cho phép phân lô quét bài, soát lỗi theo tài khoản người dùng...
Trong công tác thanh tra cần hướng dẫn cụ thể để tránh trùng lặp trong công tác thanh tra. Điểm liệt bài thi thứ tư (môn Tổ hợp) cần tính điểm trung bình cả 3 môn thay vì tính theo điểm từng môn độc lập để tránh áp lực cho thí sinh.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những đóng góp của các đại biểu tham gia hội nghị.
Để chuẩn bị tốt kỳ thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo việc dạy và học theo hướng dẫn của Bộ để đảm bảo chất lượng, việc ôn thi phải diễn ra bình thường, an toàn theo kiến thức căn bản để tránh bị áp lực. Kiểm soát việc dạy thêm, học thêm.
Sau buổi họp này, Giám đốc Sở cần tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố, ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và các thành viên trong ban chỉ đạo phải rõ việc, rõ trách nhiệm và thực chất. Trong quá trình thực hiện, phải chọn đúng người, đặc biệt là những người làm công tác thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng sao nhãng trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, các địa phương tổ chức kỳ thi phải chịu trách nhiệm toàn diện kỳ thi ở địa phương mình. Vì thế, trong quá trình triển khai, các địa phương cần quán triệt mục đích, yêu cầu thực hiện tổ chức kỳ thi này với nhiều nhiệm vụ cụ thể.
Các địa phương cũng cần lưu ý các điều kiện để làm tốt công tác in sao, bảo quản và chấm thi, công tác vận chuyển bàn giao bài thi. Khảo sát xác định đặt điểm thi phù hợp để đảm bảo sự tối đa thuận lợi cho thí sinh. Năm nay kỳ thi tổ chức vào tháng 8 nên cần có phương án dự phòng, phòng trường hợp thiên tai bão lũ. Với lực lượng công an, cần có biện pháp phát hiện việc sử dụng công nghệ cao, tránh gian lận.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến công tác truyền thông, yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo cần chủ động cung cấp thông tin, quá trình thực hiện cho các cơ quan báo chí để đảm bảo việc đưa tin được trung thực, chính xác và tránh sự hoang mang trong dư luận.
Hiện, Chính phủ cũng vừa thống nhất phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo trình. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chính thức thực hiện vào ngày 9,10/8/2020 và công bố kết quả thi vào ngày 27/8.
Tại Nghệ An, Kỳ thi năm nay dự kiến sẽ có khoảng 31.000 thí sinh dự thi, thấp hơn kỳ thi trước khoảng 1.200 thí sinh. Trong đó, có khoảng 1.500 thí sinh tự do và gần 1.600 thí sinh GDTX