Giảm giá, khó tiêu thụ
Khác với năm trước, dịp này về vùng trồng cây hương bài của huyện Thanh Chương, đi đến đâu cũng nghe người dân bàn chuyện rễ hương bài rớt giá và ế ẩm. Ông Nguyễn Đình Dung ở xóm Nho Sơn, xã Thanh Nho cho biết, năm nay gia đình ông trồng hơn 10 sào rễ hương ở cả vườn nhà và vườn đồi. Cho đến thời điểm hiện tại, vườn rễ hương đã quá già mà vẫn chưa thu hoạch được, vì khó tiêu thụ. Hiện các cơ sở thu mua rễ khô với giá 20.000 – 22.000 đồng/kg, trong khi năm trước có giá 40.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Sỹ Sửu – chủ một cơ sở từng thu mua rễ hương cho hay: Những năm trước mỗi vụ rễ hương, chúng tôi thu mua hàng chục tấn rễ tươi để sơ biến, chuyển vào TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Nhưng năm nay do dịch Covid-19 bùng phát, việc sản xuất, kinh doanh hương tại các tỉnh phía Nam gặp khó khăn, nên rễ hương bài chưa tiêu thụ được, khiến thương lái chúng tôi phải ngừng thu mua từ nhiều tháng nay, nên người trồng hương bài lâm cảnh không tiêu thụ được.
Cây hương bài đang được trồng nhiều ở các xã: Thanh Nho, Thanh Đức, Thanh Mỹ, Thanh Thủy… của huyện Thanh Chương.
Ông Lê Đình Hùng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Nho cho biết: Năm 2021, xã Thanh Nho trồng gần 30 ha rễ hương bài. Năm nay, giá rễ hương rẻ, khó bán, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Tuy nhiên, chính quyền xã cũng khuyến khích bà con duy trì cây rễ hương vì đây là cây trồng phù hợp với vùng đất đồi vốn có của địa phương.
Huyện Quỳ Châu những năm qua địa phương chú trọng phát triển diện tích cây hương bài, nhằm cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho làng nghề sản xuất hương trên địa bàn huyện. Ông Hà Văn Khương - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Quỳ Châu hiện có 80 ha cây rễ hương, bà con đã bước vào thu hoạch 1 tuần nay, song giá rễ hương khô năm nay giảm khoảng 30% so với năm trước, hiện chỉ còn 30.000 đồng/kg.
Xã Quỳnh Thắng là địa phương trồng nhiều diện tích cây hương bài nhất huyện Quỳnh Lưu, hàng năm duy trì từ 300 - 350 ha. Theo ông Lê Văn Nga - Chủ tịch UBND xã, hiện nay bà con đã bước vào thu hoạchrễ hương, song người trồng cây hương bài kém vui, bởi giá bán rễ hương bài khô trên địa bàn xã hạ xuống còn 30.000 đồng/kg.
"Trên địa bàn xã có 6 cơ sở sản xuất hương, hàng năm tiêu thụ khoảng 20% sản lượng rễ hương toàn xã, số rễ hương còn lại được thương lái thu mua xuất bán ra các tỉnh khác. Mặc dù giá có giảm so với các năm trước, song người trồng hương bài vẫn có lãi", ông Lê Văn Nga chia sẻ.
Vì sao có sự chênh lệch giá thu mua
Thực tế cho thấy, rễ hương trên địa bàn tỉnh đều có sự giảm giá khá sâu, nhưng vì sao lại có sự chênh lệch giá như vậy. Theo ông Lê Văn Nga – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng cho rằng, cây hương bài trồng ở xã Quỳnh Thắng chất lượng rễ tốt, nên thị trường nhiều nơi ưa chuộng; cùng đó, bà con lâu nay trồng rải vụ, nên không thu hoạch cùng một lúc, tránh được tình trạng ép giá. Hơn nữa, trên địa bàn xã hiện có 6 cơ sở chế biến, sản xuất hương, tiêu thụ tại chỗ một phần rễ hương cho bà con.
Đối với huyện Quỳ Châu, là địa phương có nhiều làng nghề và làng có nghề sản xuất hương trầm, tạo được niềm tin đối với khách hàng gần xa, vì vậy, hàng năm tiêu thụ nguồn nguyên liệu đầu vào là rễ hương bài lớn. Ông Hà Văn Khương – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho rằng, với 80 ha rễ hương của địa phương hiện có là chưa cung cấp đủ nguyên liệu cho các làng nghề, làng có nghề sản xuất, còn phải mua rễ hương bài từ các nơi về. Do vậy, dù năm nay rễ hương trên địa bàn huyện có rớt giá, nhưng không giảm sâu như các nơi khác.
Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như thời gian qua đã khiến nhiều mặt hàng nông nghiệp bị ảnh hưởng, giảm giá sâu, trong đó có rễ hương. Do vậy, các địa phương cần tuyên truyền, định hướng cho bà con không nên vội vàng chuyển sang trồng cây khác, mà nên duy trì cây trồng mang tính truyền thống để khai thác tiềm năng của địa phương, khi dịch bệnh được kiểm soát giá cả sẻ ổn định trở lại./.