Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được Nghệ An xác định là một giải pháp trọng tâm giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần người dân ở nông thôn.
Đến nay, tỉnh Nghệ An đã có 16/21 huyện, thành, thị tổ chức đánh giá, phân hạng và có sản phẩm đạt hạng sao. Theo đó, toàn tỉnh đã có 113 sản phẩmđược công nhận đạt 3 sao trở lên;trong đó, có 87 sản phẩm đạt 3 sao, chiếm 77,0%; có 26 sản phẩm đạt 4 sao, chiếm 23%.
Các làng nghề truyền thống ở Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TP. Vinh, Thanh Chương đã có 5 sản phẩm OCOP gắn với khai thác vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý như: Cam Vinh, gừng Kỳ Sơn; gà đồi Thanh Chương, gạo Vĩnh Hòa, lạc Diễn Châu. Doanh thu của 113 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên hàng năm tăng khoảng 8,0% và lợi nhuận bình quân hàng năm tăng khoảng 120 -150 triệu đồng.
Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn; góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường của địa phương.
Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu; mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng doanh thu của nhiều chủ thể trong năm 2020 vẫn tăng từ 10-15%.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nghệ An tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát kết quả và chất lượng triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại các địa phương với mục tiêu cụ thể: Có ít nhất 300 sản phẩm OCOP; Phát triển mới ít nhất 86 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; Phát triển từ 8-10 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; Phát triển ít nhất 5-8 sản phẩm đạt hạng 5 sao (có thể xuất khẩu)...
Tại hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương đã trình bày các tham luận, bên cạnh những thành quả mà Chương trình OCOP đã đạt được thì vẫn tồn tại một số hạn chế như sản phẩm OCOP tại nhiều địa phương do sản xuất chủ yếu là thủ công, máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu nên sức cạnh tranh còn thấp. Mặc dù sản phẩm hàng hóa Nghệ An rất phong phú về chủng loại, số lượng, chất lượng nhưng do một số chủ thể chưa quan tâm đến kiểu dáng, nhãn mác, bao bì đóng gói, nhất là các loại giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ nên chưa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh...
Ngoài ra, các ý kiến còn nhấn mạnh đến công tác tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất các sản phẩm OCOP để tăng năng suất, chất lượng. Các địa phương cần đặc biệt chú trọng việc đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP để đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm...