Áp lực tìm việc
Anh Lầu Bá Lầu trú tại bản Tham Pạng, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, trở về từ Bình Phước vẫn chưa hết “hoàn hồn”. Vào Bình Phước theo anh em bạn bè cách đây gần 2 năm, anh Lầu xin được một công việc tại xưởng lắp ráp thiết bị điện tử. Khi dịch bệnh bùng phát, lúc đầu anh cùng với nhiều người trong xã cố gắng bám trụ, nhưng do không thể đi làm được, cộng với nguy cơ mắc bệnh trong khu nhà trọ rất cao, cuối cùng anh quyết định chạy xe máy theo bạn bè về quê.
Anh Lầu chia sẻ “biết là về quê thì gần bố mẹ, an tâm phần nào, nhưng việc làm không có, mùa này nương rẫy cũng không làm gì. Đợi tình hình dịch bệnh ổn định thì ăn Tết xong em sẽ đi tìm việc làm. Em vẫn mong tìm được việc làm ở quê còn hơn phải đi xa, nhưng nếu không có việc thì cũng đành phải đi chứ không có cách nào khác”.
Anh Và Bá Kỷ trú tại bản Mường Lống 2, xã Mường Lống vừa trở về từ Bình Dương thì khẳng định - “sẽ đi lại chơ, ở nhà thì biết làm gì mà ăn”. Tuy nhiên, anh Kỷ đang băn khoăn giữa việc đi làm trong tỉnh hay là đi làm ở miền Nam hay miền Bắc, và cho biết đợi ăn Tết xong, anh em bạn bè đi làm ở đâu thì mình cũng sẽ đi làm ở đó.
Theo tổng hợp, tại xã Mường Lống, tính từ đầu năm đến giữa tháng 10/2021, toàn xã có khoảng 500 công dân từ các tỉnh phía Nam trở về quê. Trong đó đa phần là hộ nghèo và cận nghèo, phải về quê bằng xe máy. Ông Và Chá Xà - Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết: Qua nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân thì cơ bản người dân sợ dịch quá nên phải quay về, hơn nữa thời điểm này gần Tết nên người dân cũng chưa muốn đi lại. Nếu ra Tết tình hình dịch ổn định thì họ cũng sẽ đi tìm việc làm.
Được biết, vào cuối tháng 10 vừa qua, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với UBND huyện Kỳ Sơn tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động tại 21 xã, thị trấn của huyện Kỳ Sơn, trong đó chia ra tổ chức tại các cụm xã như Tà Cạ, Na Ngoi, Chiêu Lưu, Huồi Tụ, Mường Lống và Na Loi.
Ông Lê Hồng Lập - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Sơn cho biết: Tính từ ngày 27/4 đến ngày 12/10, toàn huyện Kỳ Sơn đã có 5.652 công dân trở về từ các tỉnh phía Nam, trong đó chủ yếu là con em đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú. Hiện tại do ở các tỉnh phía Nam đã nới lỏng biện pháp kiểm soát nên người dân không còn về ồ ạt như trước, tuy nhiên dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, số người về sẽ đạt khoảng 7.000 người.
Tại huyện Quế Phong, thời gian vừa qua cũng đã có hơn 3.000 lao động trở về từ các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Theo ông Lô Minh Điệp - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Quế Phong, thì hiện tại huyện đang rà soát để nắm tình hình lao động có nhu cầu đi làm trở lại. Sắp tới huyện sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động nói chung và số lao động vừa trở về quê sau các đợt vừa qua.
Chủ động kết nối, tìm kiếm việc làm
Tại huyện Tương Dương, tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 3.700 lao động trở về quê tránh dịch. Ngay sau khi lao động về quê, các địa phương trong huyện ngoài việc nắm danh sách, tiến hành cách ly theo đúng quy định, còn tổng hợp, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động. Mới đây địa phương này cũng đã tổ chức buổi tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động trong huyện tại 6 cụm xã. Qua đợt tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm này đã có trên 2.000 lao động quan tâm tham dự, trong đó đã có 200 lao động đăng ký đi làm ngay.
Điều này cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng đang rất lớn, điều quan trọng là chính quyền các địa phương cần phải vào cuộc nhanh chóng để kết nối, giới thiệu giúp doanh nghiệp và người lao động tiếp cận được với nhau. Tránh trường hợp khi các tỉnh khác cũng vào cuộc, nhiều vị trí việc làm ổn định đã được đăng ký hết
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tính đến thời điểm hiện nay đã có gần 100.000 công dân Nghệ An trở về từ các tỉnh, trong đó nhiều nhất là các tỉnh phía Nam, trong số này thì có đến 75.000 người trong độ tuổi lao động.