Sáng 6/5, tại huyện Thanh Chương, Sở Y tế phối hợp với UBND huyện tổ chức chương trình truyền thông ngày Thalassemia Thế giới.
Thalassemia (còn được gọi là bệnh Tan máu bẩm sinh), được thế giới phát hiện từ năm 1925 và bắt đầu được nghiên cứu tại Việt Nam từ năm 1960. Thalassemia đã và đang gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đến giống nòi, để lại hệ lụy lâu dài cho đời sống của người bệnh, cộng đồng.
Đây cũng là bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất hiện nay trên thế giới với hai biểu hiện nổi bật làm cho người bệnh bị thiếu máu và ứ đọng sắt trong cơ thể.
Trên toàn thế giới có hơn 7% dân số toàn cầu mang gen bệnh và có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng bởi căn bệnh này, trong đó có Việt Nam. Hiện, theo số liệu thống kê của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Việt Nam có khoảng 13 triệu người, tương đương 13% dân số mang gen bệnh. Trong đó người đồng bào dân tộc miền núi chiếm tỷ lệ từ 20 - 40%. Số bệnh nhân tan máu bẩm sinh thể nặng cần điều trị thường xuyên là trên 20.000 người, trong đó 44% là trẻ em dưới 15 tuổi. Ước tính chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng.
Tại Nghệ An, theo báo cáo của Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh, hàng năm, số bệnh nhân đến điều trị tại Trung tâm khoảng 350- 400 người. Đây chỉ là số bệnh nhân được phát hiện và đang điều trị tại một số bệnh viện. Thực tế ở cộng đồng, chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi cao.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ cho rằng, hiện số người mắc bệnh Thalassemia rất nhiều, số lượng bệnh nhân chưa được phát hiện khá lớn. Trong khi đó, chưa có đánh giá cụ thể thực trạng bệnh nhân mắc tan máu bẩm sinh và nhiều người dân chưa hiểu rõ về bệnh này. Đây chính là khoảng trống về công tác truyền thông của chúng ta hiện nay.
Kỷ niệm ngày Thalassemia Thế giới (8/5/1986 - 8/5/2022), Nghệ An triển khai chương trình truyền thông với chủ đề "Chung tay đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh vì tương lai giống nòi".
Chương trình có ý nghĩa thiết thực để các gia đình, người dân hiểu biết hơn về bệnh tan máu bẩm sinh. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế hiểu rõ và có trách nhiệm hơn trong việc đẩy lùi căn bệnh này. Đây cũng được xem là điểm mốc, là dấu ấn bước đầu để huy động cả xã hội tập trung vào giải quyết vấn đề Thalassemia tại Nghệ An.
Thời gian tới, đồng chí Nguyễn Bá Tân cũng đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể cộng đồng phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh. Phối hợp lồng ghép tuyên truyền bệnh tan máu bẩm sinh vào hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, đảm bảo sự vào cuộc tích cực và tối đa của các cấp, các ngành.
Bên cạnh đó,các đơn vị Y tế, Dân số cần chung tay, góp sức để phát hiện, chăm sóc, điều trị tốt cho bệnh nhân mang bệnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nam, nữ thanh niên cần chủ động tham gia tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn để có lựa chọn đúng đắn về hôn nhân vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai con em./.