Hiện nay, nhu cầu mỗi năm của tỉnh Nghệ An đang cần trên 100.000 đơn vị máu và chế phẩm máu nhưng hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có hơn 300 người mang gien Thalassemia thường xuyên phải truyền máu và thải sắt định kỳ.
Từ thực tế của mô hình bệnh tật và nhu cầu truyền máu, vấn đề đảm bảo an toàn truyền máu, phòng chống bệnh Thalassemia cần phải đặt ra.
Buổi tập huấn hướng tới việc nâng cao kiến thức chuyên môn trong hoạt động truyền máu tại các bệnh viện, cơ sở y tế; phòng chống bệnh Thalassemia.
Tại buổi tập huấn, các giảng viên đã truyền tải 3 nội dung: Chỉ định sử dụng máu, phế phẩm máu hợp lí trong lâm sàng; phát hiện và xử lí một số tai biến truyền máu; chẩn đoán, điều trị bệnh Thalassemia...
Trước đó, vào ngày 27/3, Trung tâm huyết học và truyền máu tỉnh cũng đã tổ chức buổi tập huấn nâng cao nhận thức về bệnh Thalassemia cho hơn 100 bệnh nhân - người mang gien bệnh nhằm nâng cao hiểu biết về bệnh và có biện pháp phòng tránh ngay từ đầu.
Bệnh Thalassemia hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh là bệnh di truyền lặn có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất của nhân loại (trong đó Việt Nam có khoảng 10% mang mầm bệnh). Bệnh gây tan máu, thiếu máu cùng nhiều biến chứng khác.
Người bị bệnh Thalassemia phải điều trị bằng truyền máu và thải sắt định kỳ thậm chí là điều trị suốt đời tại bệnh viện. Thực tế, căn bệnh này đã và đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đến việc phát triển giống nòi, gây khó khăn trong việc điều trị của bệnh nhân.