Thời gian này, số lượng công dân huyện Tương Dương từ các tỉnh, thành phía Nam trở về địa phương tránh dịch tăng đột biến, trong khi các khu cách ly tập trung đã quá tải. Thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, huyện Tương Dương đã tiến hành trưng dụng các trường mầm non để làm khu cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, có Trường Mầm non Xá Lượng.
Trường Mầm non Xá Lượng có 1 điểm chính và 5 điểm lẻ. Toàn trường có 298 trẻ, nhưng có tới 107 trẻ học ở điểm chính. Điểm trường chính vừa mới được xây dựng lại có diện tích rộng, nên được chọn làm địa điểm cách ly.
Để đảm bảo việc học cho trẻ, Trường Mầm non Xá Lượng đã mượn nhà văn hóa của 2 bản Cửa Rào 1 và Cửa Rào 2 cho trẻ ở điểm trường chính làm nơi học tập. Các em được chia thành 4 lớp học với 107 trẻ. Cách làm này được đa phần phụ huynh đồng tình, ủng hộ.
Chị Lê Thị Như Ý, ở bản Cửa Rào 2, phụ huynh bé Trần Tú Anh cho biết: Do dịch bệnh nên các con mới được trở lại trường đi học từ đầu tháng 10. Nhưng, mới đi học chưa đầy 1 tuần thì lại thấy có chủ trương trưng dụng trường để làm khu cách ly tập trung cho các công dân trở về địa phương tránh dịch. Thú thật không chỉ có tôi mà các phụ huynh rất lo lắng. Lo lắng là vì ở nhà các con không có chỗ vui chơi, suốt ngày ngồi trước màn hình ti vi, không có người trông nom. Công việc kinh doanh của tôi khá bận bịu, rất may là nhà trường linh hoạt mượn nhà văn hóa của bản để làm phòng học cho các cháu. Tôi thấy việc làm này là rất cần thiết, vừa đảm bảo cho các con được học hành, phụ huynh lại có thời gian phát triển kinh tế.
Chị Lô Thị Kháy Thi, ở bản Xiêng Hương có con 3 tuổi đang học tại Nhà Văn hóa bản Cửa Rào 1 chia sẻ: Học ở nhà văn hóa cũng có phần vất vả cho cả cô và trò, nhưng vẫn tốt hơn là các con phải nghỉ học. Con đi học vừa được vui chơi, vừa được học tập trong môi trường an toàn. Bố mẹ lại có thời gian lao động, sản xuất. Tuổi đang nhỏ để con tự chơi ở nhà không an toàn. Tôi thấy mượn nhà văn hóa để làm lớp học trong thời điểm này là vô cùng hợp lý.
Công việc mỗi ngày của giáo viên mầm non đã rất vất vả, việc phải dạy tại các nhà văn hóa của các bản lại càng vất vả hơn. Cô Trần Thị Sao Mai - giáo viên Trường Mầm non Xá Lượng cho biết: “Ở trường khuôn viên trường, lớp được xây dựng khép kín rất thuận tiện cho việc dạy, học cũng như sinh hoạt của giáo viên và học sinh. Còn học ở nhà văn hóa gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nhà vệ sinh. Vất vả là vậy, nhưng được sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh, đặc biệt là ngày ngày được lên lớp dạy dỗ các con, nên ai cũng thấy vui, cùng động viên nhau vượt lên khó khăn để hoàn thành việc dạy và học”.
Cô Lê Hồng Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng cho biết: “Nếu để các con ở điểm chính phải ở nhà trong thời gian dài, sẽ ảnh hưởng không chỉ đến nền nếp sinh hoạt mà còn cả ý thức của các con. Vì vậy, nhà trường đã quyết định mượn nhà văn hóa để làm lớp học. Chủ trương này được giáo viên cũng như phụ huynh đồng tình hưởng ứng rất cao. Hiện cơ sở vật chất tại nhà văn hóa chưa đảm bảo nên các con chưa thể ở bản trú. Thời gian tới nhà trường sẽ nỗ lực khắc phục, nếu đáp ứng đủ điều kiện ở bán trú sẽ tổ chức bán trú cho các con”./.