Đó là một trong những nội dung báo cáo về hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục năm 2021 của Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội.
Qua báo cáo, Chính phủ nêu một số tồn tại, hạn chế như tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành Giáo dục năm 2021 chỉ đạt khoảng 17,3% chi ngân sách cả nước, chưa đạt tỷ lệ theo quy định.
Tỷ lệ chi cho con người (chi lương, các khoản theo lương) còn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi thường xuyên tại các cơ sở giáo dục; nhiều địa phương chưa bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 18% chi chuyên môn theo quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg, gây khó khăn cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục tại các địa phương. Việc mua sắm bổ sung thiết bị theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn chậm.
Về tình hình thực hiện dự toán thu năm 2021, tổng mức thu sự nghiệp của cơ sở giáo dục, đào tạo của địa phương và các bộ, ngành (thu toàn ngành) năm 2021 ước thực hiện 38.550 tỷ đồng, đạt khoảng 85% so với thực hiện năm 2020. Trong đó, đối với các địa phương: ước thực hiện tổng thu sự nghiệp giáo dục và đào tạo năm 2021 đạt 15.905 tỷ đồng (đạt 82% so với thực hiện năm 2020). Đối với các bộ, ngành: năm 2021 nguồn thu sự nghiệp tại các cơ sở đào tạo cũng giảm (ước giảm khoảng 13% so với thực hiện năm 2020); trong đó, số thu của các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT ước thực hiện năm 2021 đạt 9.875 tỷ đồng, đạt 87% so với số thực hiện năm 2020.
Theo Chính phủ, do tác động của dịch Covid-19 và các đợt thiên tai, bão lũ nên nguồn thu năm 2021 của các đơn vị giảm so với năm 2020. Thời gian thực học giảm, số thu từ nguồn học phí ước giảm khoảng 13%-18%. Quy mô sinh viên đại học có xu hướng giảm dần do phân luồng học nghề, học cao đẳng tăng (ngoại trừ sinh viên sư phạm tăng trong 1-2 năm gần đây).
Còn tổng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 cho toàn ngành Giáo dục (gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư) là 299.325 tỷ đồng, giảm 4,7% so với dự toán năm 2020. Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho ngành Giáo dục năm 2021 là 17,3%. Tỷ lệ này ở cả giai đoạn 2016-2020 trong khoảng 17,4% đến 18,5% (thấp hơn so với mức quy định 20% của Luật Giáo dục).
Trong tổng dự toán chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành Giáo dục năm 2021 thì dự toán chi thường xuyên được Quốc hội phê duyệt là 249.971 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 83,5%. Theo tổng hợp báo cáo của 63 sở GD-ĐT, ước thực hiện dự toán chi thường xuyên toàn ngành Giáo dục năm 2021 đạt 100% dự toán Quốc hội phê duyệt.
Chính phủ cũng nêu lên một số tồn tại, vướng mắc trong cân đối bố trí, thực hiện nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
Về lộ trình giảm chi thường xuyên, Chính phủ cho hay, ngành giáo dục có đặc thù là phần lớn kinh phí dùng để chi tiền lương, nếu giảm chi thường xuyên theo lộ trình tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương sẽ không bảo đảm kinh phí chi lương cũng như chi cho chuyên môn, chi thực hiện các chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên; đồng thời thiếu nguồn lực để giải quyết các vấn đề như biên chế giáo viên thiếu, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất nhằm triển khai kịp thời Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về lộ trình tính giá dịch vụ GD-ĐT, Chính phủ cho hay, GD-ĐT là lĩnh vực ảnh hưởng đến an sinh xã hội, nếu thực hiện theo đúng lộ trình đến năm 2021 phải tính đủ chi phí theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương thì học phí sẽ tăng khá cao, gây áp lực cho học sinh và gia đình, ảnh hưởng tới cơ hội học tập của phần lớn học sinh, sinh viên.
Báo cáo của Chính phủ cho hay, năm 2021, Bộ GD-ĐT trực tiếp quản lý 2,2% tổng chi thường xuyên ngân sách cho giáo dục, bảo đảm được khoảng 70% nhu cầu tối thiểu theo đề xuất của Bộ. Điều này gây áp lực trong việc thực hiện một số nhiệm vụ lớn của ngành như: triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; triển khai hơn 30 đề án, nhiệm vụ Chính phủ đã phê duyệt.
Tổng nhu cầu kinh phí kế hoạch năm 2021 để thực hiện chi trả các chế độ chính sách là 891,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế mới cân đối bố trí giao 76,5%. Ngoài ra, một số chế độ, chính sách quan trọng cho người học chưa được bố trí cấp riêng (đặc biệt là kinh phí cấp bù sư phạm thực hiện theo chế độ mới quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP; học bổng chính sách, chế độ cho học sinh dự bị dân tộc), gây khó khăn trong việc chi trả kịp thời và đầy đủ chế độ cho người học theo quy định. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số cơ sở giáo dục không có nguồn thu để ứng trước, dẫn đến tình trạng người học phản ánh, kiến nghị về Bộ GD-ĐT.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh, sinh viên phải nghỉ học dài ngày dẫn đến nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp giảm mạnh; hầu hết các đơn vị gặp khó khăn trong việc bảo đảm duy trì hoạt động bộ máy, hoạt động giảng dạy, khó khăn trong việc cân đối chi thường xuyên vì đặc thù của ngành Giáo dục chủ yếu là lấy thu bù chi.
Cũng theo báo cáo Chính phủ, tính đến hết 30/6/2021, toàn ngành giáo dục đã giải ngân được hơn 2.513 tỷ đồng vốn thường xuyên, đạt 46% so với kế hoạch năm, ước thực hiện cả năm đạt 100%. Bộ GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị chủ động cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên để bổ sung kinh phí phòng, chống dịch Covid-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục đã chủ động điều chỉnh bộ máy, phương thức hoạt động để tiết kiệm chi phí, chuyển đổi ngân sách cho các hoạt động thiết yếu.
Về bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ GD-ĐT được giao hơn 5.430 tỷ đồng, giảm hơn 850 tỷ đồng so với năm 2020, nhiều khoản kinh phí chưa bảo đảm nhu cầu tối thiểu nên Bộ đề nghị bổ sung kinh phí còn thiếu là hơn 721 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Chính phủ mới bổ sung dự toán năm 2021 cho Bộ GD-ĐT được hơn 293 tỷ đồng, còn thiếu gần 428 tỷ đồng so với đề xuất.