Chia theo nhóm hàng bán lẻ, nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất với doanh thu 5 tháng ước đạt trên 6,4 nghìn tỷ đồng (chiếm 30,3% tổng số), tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,18%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,31%.
Nửa đầu năm hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi động, nhu cầu mua sắm của người dân tăng mạnh, cao điểm trong tháng giáp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, lực lượng quản lý thị trường phối hợp các ngành, các địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Vì vậy, tình hình hàng hóa, giá cả trong 6 tháng tương đối ổn định.
Đặc biệt, các nhóm mặt hàng như: lương thực, thực phẩm, dầu ăn, đường, sữa, gas khí hóa lỏng, xăng dầu... được tăng cường kiểm tra thường xuyên. Do đó, không có tình trạng tăng giá đột biến, ép giá, đầu cơ tích trữ làm rối loạn thị trường, găm hàng.
6/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm và giảm nhiều nhất là nhóm may mặc, mũ, nón, giày dép giảm 0,84% do nhu cầu mua sắm quần áo của người dân giảm; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,51%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,25% (trong đó lương thực giảm 0,51%; thực phẩm giảm 0,25%); nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,15% do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng như bia, rượu, nước giải khát đều giảm.
3 nhóm tăng giá là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,16%; nhóm giao thông tăng 1,11% do giá xăng dầu tăng 2,96%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,3%; 2 nhóm giữ nguyên là nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm bưu chính, viễn thông.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa những tháng cuối năm 2018 được kỳ vọng nhiều khởi sắc hơn./.