(Baonghean) - Khi hàng chục nghìn héc-ta rừng nứa, chuối bị chặt phá để trồng cao su cũng là lúc đàn voi thường xuyên ra khỏi rừng, về các bản làng tàn phá hoa màu. Đỉnh điểm là sau khi con voi đực đầu đàn bị sát hại lấy ngà, một đàn voi trở nên hung dữ đối với con người; đến nay, đã 2 người chết và nhiều người khác bị thương vì voi quật.
» Theo dấu voi rừng ở miền Tây Nghệ An
» Cấp bách bảo vệ đàn voi trước nguy cơ tuyệt chủng
Gần đây, voi rừng không còn xuất hiện, một đường hào ngăn voi cũng đã được hoàn thành trên triền núi, nhưng điều đó không khiến người dân ở bản Cao Vều 1 (xã Phúc Sơn, Anh Sơn) an tâm hơn. “Hào ngăn voi đó mới chỉ có được một đoạn, không thể bao quát toàn bộ bản. Vài hôm nữa đến mùa voi về, nó lại dễ dàng tràn vào bản, tàn phá hoa màu, nhà cửa”, ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng bản Cao Vều 1 lo lắng. Theo ông Châu, voi thường xuất hiện theo chu kỳ. Nhiều nhất là vào cuối năm, khi các rẫy mía ở bản này đến mùa thu hoạch. Có những tháng, đàn voi kéo về đến 5 - 6 lần để phá hoại mùa màng và nhà cửa của người dân.
Cao Vều 1 là 1 trong 5 bản ở xã Phúc Sơn thường xuyên bị đàn voi 6 con kéo về quấy phá. Đàn voi này sinh sống ở phía Đông Nam Vườn Quốc gia Pù Mát, thường di chuyển từ xã Môn Sơn (Con Cuông), về các bản vùng sâu của xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn), rồi xuống tận xã Thanh Đức (Thanh Chương), để tìm kiếm thức ăn.
Theo người dân địa phương, chúng đã sinh sống lâu đời ở đây. Trước kia đàn voi cũng thi thoảng ra khỏi rừng, về ruộng rẫy của dân làng tìm thức ăn. Mỗi lần như vậy, người dân chỉ cần đốt lửa, khua chiêng là voi hoảng sợ, bỏ chạy vào rừng. Tuy nhiên, gần 10 năm nay, việc xua đuổi voi theo cách truyền thống này đã không còn hiệu quả. “Bây giờ nó quá hung dữ, cứ hễ thấy người là nó rượt đuổi. Nhà cửa cũng bị nó phá”, ông Nguyễn Văn Thanh (48 tuổi, trú bản Cao Vều 1), cho biết. Ông Thanh từng là nạn nhân bị đàn voi dữ rượt đuổi vài năm trước.
Trước kia, ở những cánh rừng xung quanh đây bạt ngàn nứa và chuối. Măng nứa và thân chuối rừng vốn là những loại thức ăn ưa thích của voi. Tuy nhiên, đến năm 2009, hàng nghìn héc-ta rừng ở vùng ven Vườn Quốc gia Pù Mát bị đốn hạ để Công ty Lâm nghiệp trồng cao su. Những cánh rừng tươi tốt nhanh chóng trở thành ngọn đồi trơ trọi. Nguồn thức ăn bị hạn chế, môi trường sống bị xâm hại nghiêm trọng khiến đàn voi rừng thường xuyên về bản làng, nơi người dân đang canh tác mía, ngô để tìm kiếm thức ăn.
Tuy nhiên, khác với trước đây, những lần này, đàn voi trở nên hung dữ hơn khi đối diện con người. Nhiều người thấy voi tàn phá ruộng rẫy, lập tức dùng chiêng gõ, đốt lửa… Tuy nhiên, thay vì bỏ chạy vào rừng, đàn voi quay lại tấn công người.
Đỉnh điểm của sự xung đột bắt đầu từ năm 2011. Một ngày cuối tháng 3/2011, anh Hà Văn Tuấn (bản Cao Vều 1), trong lúc đi rừng phát hiện xác một con voi phân hủy bốc mùi hôi thối ở khu vực giáp ranh giữa xã Thanh Đức (Thanh Chương) và xã Phúc Sơn (Anh Sơn), cặp ngà bị cưa đến tận gốc.
Cơ quan chức năng xác định, đây là con voi đực đầu đàn bị kẻ xấu bắn hạ để lấy ngà từ vài tháng trước. Sau khi con đực này bị sát hại, đàn voi chỉ còn hai con cái, hai voi đực sắp trưởng thành và một con nhỏ. Chúng trở nên hung dữ hơn. Kể từ đó, người dân ở các bản Cao Vều 1,2,3,4 liên tục bị quấy phá. Mỗi lần về làng, đàn voi lại kêu rống lên.
Chỉ hai tháng sau khi người dân Cao Vều phát hiện voi đực bị giết, tháng 5/2011, anh Vi Văn Sinh (trú xã Lục Dạ, Con Cuông), cùng một nhóm người đến khu vực rừng gần bản Cao Vều 1 để dựng lán, phát rẫy trồng cao su thuê cho công ty. Nửa đêm, khi nhóm người này đang ngủ say thì đàn voi hung hăng xông vào dẫm nát lán trại. Anh Sinh bị quật chết tại chỗ, một người khác bị thương nặng. Nhóm người còn lại bỏ chạy tán loạn… Cũng khoảng thời gian này, người dân phát hiện con voi cái sinh con ngay ở bìa rừng. Vì vậy đến nay, đàn voi này vẫn giữ số lượng 6 con, đông nhất trong những quần thể voi ở Nghệ An.
Xung đột giữa voi và người càng ngày càng trở nên căng thẳng. Tháng 4/2013, anh Lương Văn May (31 tuổi, trú xã Tam Thái, Tương Dương), đang làm thuê tại khu vực Khe Ráy (xã Phúc Sơn) thì bất ngờ bị đàn voi tấn công. Bỏ chạy nhưng không kịp, anh May sau đó bị đàn voi giày xéo, tử vong khi đang trên đường đến bệnh viện…
Tương tự, ở các xóm vùng trên của xã Thanh Đức (Thanh Chương), nhiều năm nay người dân cũng “ăn không ngon, ngủ không yên” vì đàn voi dữ này. “Chúng thường về vào ban đêm, mỗi lần như vậy người dân lại chạy tán loạn. Mía, chè bị chúng tàn phá. Lần gần nhất chỉ cách đây 2 tháng”, ông Lê Văn Thông (55 tuổi), nói. Có lần đàn voi kéo về, không kịp bỏ chạy, ông Thông vội leo lên nóc nhà, nín thở trốn chờ đàn voi đi qua mới dám leo xuống…
Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát kể, 2 năm trước, khi đơn vị làm đường vào thác Khe Kèm, con voi cái sống đơn lẻ ở khu vực trung tâm Pù Mát thường xuất hiện quấy phá. Nó nhiều lần giận dữ, húc đổ cả lán trại của những công nhân làm đường. Một số biển báo giao thông trên các tuyến đường gần khu vực voi sinh sống cũng nhiều lần bị quật ngã, mặc dù con voi này được đánh giá khá thuần.
Trong khi đó, tại xã Bắc Sơn và Nam Sơn của huyện Quỳ Hợp, người dân cũng đang khổ sở vì con voi cái to lớn thường xuyên về tàn phá hoa màu. Một số người dân cũng đã bị thương vì bị nó tấn công. Sau mỗi lần quấy phá, con voi này quay trở lại khu vực thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Tức giận vì những bãi mía, nương ngô sắp đến kỳ thu hoạch thì bị voi phá hoại, người dân nhiều lần dùng súng kíp bắn trả. “Có lẽ bụng con voi này giờ phải có đến 5 cân chì trong đó. Súng kíp bắn vào không làm nó chết được”, một trưởng bản ở xã Bắc Sơn nói.
Tại Nghệ An, đến nay chỉ có mỗi đàn voi sinh sống ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là chưa xảy ra xung đột với con người. Đàn này thường hoạt động ở vùng núi cao, hẻo lánh tại khu vực giáp ranh giữa huyện Quế Phong, Lào và tỉnh Thanh Hóa.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng xung đột chủ yếu do khai thác tài nguyên rừng, làm ảnh hưởng đến sinh cảnh, voi bị thiếu thốn nguồn thức ăn. Mỗi ngày, một con voi rừng có thể di chuyển khoảng 50 km. Tuy nhiên những cánh rừng bị xé lẻ, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang di chuyển của voi… Đối với Nghệ An, hiện nhiều đàn voi chỉ còn con voi cái sống đơn lẻ. Vào mùa động dục, không có voi đực, chúng thường trở nên hung hăng.
Để tránh tình trạng voi về bản làng phá hoại mùa màng, một số giải pháp đã được đưa ra, trong đó có việc khuyến cáo người dân không nên trồng những loại cây vốn là thức ăn ưa thích của voi như mía, ngô, chuối, sắn… Mà phải chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, giải pháp này dường như không khả thi bởi đối với người dân miền núi, những loại hoa màu này là nguồn sống của họ. Để người dân loại bỏ, dường như không thể...
Tiến Hùng