Theo đó, sẽ thí điểm tăng cường 7 cán bộ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại 7 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn gồm: HTX NN&MT thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên; HTX NN dịch vụ tổng hợp Thọ Thành, huyện Yên Thành; HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu; HTX DVNN Nam Cát, huyện Nam Đàn; HTX DVNN Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa; HTX DVNN Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu và HTX DVNN Nam Sơn, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu.
Các cán bộ theo quyết định này được hỗ trợ 99,360 triệu đồng trong 3 năm 2018 - 2020. Kinh phí hỗ trợ được cấp cho HTX hàng năm và chi trả cho cán bộ hàng tháng.
Mục đích của mô hình này nhằm tăng cường năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý điều hành HTX, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, kinh doanh; mở rộng liên doanh liên kết, tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh… góp phần vào tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Nghệ An phấn đấu đến năm 2020 thu hút từ 40 - 45% người lao động ở nông thôn tham gia vào khu vực HTX; nâng tỷ lệ HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả đạt từ 70 - 75% trở lên; xóa HTX yếu kém; mỗi năm thành lập mới 50 - 60 hợp tác xã.
Đến năm 2020 có 80% số xã có ít nhất 1 HTX hoạt động có hiệu quả theo tiêu chí nông thôn mới, 100% cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ HTX được đào tạo bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh tế HTX; đào tạo nghề cho xã viên và người lao động khu vực HTX 2.000 - 3.000 người/năm, thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong HTX tăng 15 - 20%/năm.