Theo báo cáo của UBND huyện Nam Đàn, toàn huyện hiện có tổng 52 HTX; trong đó có 39 HTX dịch vụ nông nghiệp, 7 HTX phi nông nghiệp, 6 quỹ tín dụng nhân dân. Trong tổng số đó, thông qua rà soát, đánh giá, ngoài 5 HTX chờ giải thể và 11 HTX mới thành lập trong năm 2017 không đánh giá, thì có 14 HTX hoạt động có hiệu quả; 13 HTX khá; 8 HTX trung bình và 1 HTX yếu kém.
Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích tổng doanh thu của các HTX trên địa bàn huyện trong vòng 4 năm (2013 – 2017) chỉ tăng hơn 37 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 409 triệu đồng; so sánh với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là có nhiều chính sách tác động đối với HTX, một số thành viên đoàn giám sát băn khoăn về hiệu quả hoạt động HTX chưa tỷ lệ thuận với sự đầu tư.
Chỉ riêng chính sách hỗ trợ thành lập mới HTX, tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng/HTX và huyện 20 triệu đồng/HTX; chưa kể nhiều chính sách lồng ghép khác.
Thừa nhận tình trạng có những HTX hoạt động chưa hiệu quả, tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn Đinh Xuân Quế, đánh giá hiệu quả HTX cần phải đánh giá ở góc độ chất lượng dịch vụ tốt hay không và giá cả dịch vụ cao hay thấp. Và khi chất lượng dịch vụ tốt mà giá thấp thì chắc chắn doanh thu và lãi sẽ thấp.
Cũng theo Chủ tịch UBND Nam Đàn, hiện tại hoạt động của HTX nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, vì vậy kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế riêng cho loại hình HTX này, gắn với ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm của những người tham gia sản xuất, khắc phục tình trạng nông dân không muốn vào HTX như hiện nay.
Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cũng đưa ra quan điểm, không chạy đua thành lập HTX và theo đó tỉnh cũng không nên đặt ra chỉ tiêu thành lập HTX cho các địa phương, tránh việc hình thành các HTX hình thức.
Kết luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đối với hoạt động của HTX trên địa bàn; đặc biệt có định hướng chuyển đổi một số HTX hoạt động mang tính hình thức thành các HTX dịch vụ mang tính chuyên sâu sản xuất rau an toàn, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp..., đem lại hiệu quả thiết thực.
Trên cơ sở chỉ ra một số hạn chế trong quản lý HTX, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu UBND huyện Nam Đàn tiếp tục chỉ đạo hoàn thành thủ tục sau chuyển đổi đối với một số HTX; đồng thời tập trung làm thủ tục giải thể đối với các HTX ngừng hoạt động.
Liên quan đến định hướng nhằm tạo ra hiệu quả hoạt động cho các HTX, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đề nghị UBND huyện và các cơ sở quan tâm chỉ đạo các HTX chọn các khâu dịch vụ mà người dân cần và doanh nghiệp chưa với tới được để phục vụ như việc lựa chọn cây, con sản xuất, gắn với cung cấp giống và lo đầu ra sản phẩm. Song song với đó cần mở hướng phát triển các dịch vụ vệ sinh môi trường, liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi.
Về mặt quản lý Nhà nước, huyện cũng cần quan tâm hướng dẫn về quản lý tài chính, tài sản của HTX; đồng thời cần bám sát, đánh giá để nhân rộng các mô hình mới hiệu quả, tháo gỡ kịp thời khó khăn của HTX. Huyện cũng cần tăng cường công tác về vai trò, hiệu quả của HTX trong cán bộ và nhân dân, đảm bảo các điều kiện để các HTX hoạt động một cách hiệu quả.