Nhằm quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị dịch vụ môi trường rừng. Nghệ An đang triển khai thí điểm khoảng 10.000 ha rừng trồng để được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (Chứng chỉ FSC). 5 huyện được thí điểm bao gồm, Yên Thành, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Đô Lương.

bna_van_truong_12563564276_992019.jpgĐạt được Chứng chỉ FSC thương hiệu các sản phẩm từ rừng sẽ được nâng cao và tiếp cận được các thị trường khó tính, như Hoa Kỳ, châu Âu, Úc. Ảnh: P.V

Việc cấp Chứng chỉ FSC không chỉ mang lại lợi ích cho chủ rừng từ nguồn gỗ khai thác có giá trị cao hơn, mà chứng chỉ FSC thương hiệu các sản phẩm từ rừng sẽ được nâng cao và tiếp cận được các thị trường khó tính, như Hoa Kỳ, châu Âu, Úc.

Ông Nguyễn Hồng Lam -  Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết: Về giải pháp thực hiện, Nghệ An phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tiềm năng của các chủ rừng được lựa chọn. Tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp hỗ trợ 5 huyện trồng và khai thác rừng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế về chứng chỉ rừng bền vững. Đồng thời, các doanh nghiệp trên cũng cam kết bao tiêu sản phẩm đối với 5 huyện xây dựng chứng chỉ rừng bền vững...

Chuẩn bị giống cây trồng rừng vụ thu ở Đô Lương. Ảnh: Văn Trường

Theo lộ trình, phấn đấu 6 tháng đầu năm 2020 sẽ hoàn thành cấp Chứng chỉ FSC cho trên 10.000 ha rừng của 5 huyện trên, sau đó sẽ mở rộng việc cấp chứng chỉ cho các diện tích rừng tiếp theo trên địa bàn tỉnh.

Về lâu dài, Nghệ An sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ, ưu đãi tín dụng cho các hộ dân tham gia trồng rừng nguyên liệu kinh doanh cây gỗ lớn, vùng nguyên liệu gắn với chế biến lâm sản có chứng chỉ rừng. Kêu gọi nguồn kinh phí từ các dự án trên địa bàn như Dự án ODA, NGO, vốn ngân sách Nhà nước, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, vốn tự có của các doanh nghiệp.

Bản chất của chứng chỉ rừng là quản lý rừng bền vững. Gỗ được khai thác từ các diện tích rừng được cấp chứng chỉ không những tuân thủ các quy định có liên quan đến tính pháp lý, mà còn tuân thủ các quy định có liên quan đến môi trường và xã hội (ví dụ cần có những đánh giá về tác động môi trường, đa dạng sinh học). Vì vậy, gỗ đạt chứng chỉ được chấp nhận và lưu thông rộng rãi tại các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu...

Chứng chỉ rừng có ý nghĩa quan trọng về môi trường, xã hội và kinh tế. Về kinh tế, chứng chỉ rừng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và tăng thu nhập, thông qua đó, hoạt động quản lý rừng của chủ rừng (doanh nghiệp, nhóm hộ,…) được công nhận và tin cậy; các chủ rừng được tiếp cận một cách chuyên nghiệp và bền vững các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước; đồng thời được tiếp cận tốt hơn đến các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ (tài chính, kỹ thuật…).

Hội đồng quản lý rừng đã xây dựng Chứng chỉ FSC với bộ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí để làm cơ sở đánh giá việc quản lý rừng và sử dụng các sản phẩm từ rừng của các chủ rừng và các đơn vị sản xuất các sản phẩm từ rừng. Chứng chỉ FSC có giá trị trong 5 năm và được chấp nhận trên quy mô toàn cầu.

Doanh nghiệp tiên phong trong chiến lược trồng rừng gỗ lớn ở Nghệ An

(Baonghean) - Năm 2005 đánh dấu một bước ngoặt lên đối với Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu. Lúc đó, đang sản xuất, kinh doanh ổn định với hoạt động chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng nhưng Ban Giám đốc công ty lại quyết định đi vay tiền để trồng rừng gỗ lớn.

Phát huy lợi thế trồng rừng gỗ lớn

(Baonghean) - Phát huy hiệu quả lợi thế rừng và đất rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp trở thành nghề bền vững đối với nhân dân nhiều địa phương ở Nghệ An. Bên cạnh đẩy mạnh liên kết phát triển vùng nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến thì việc mở rộng diện tích rừng kinh doanh gỗ lớn đem lại giá trị kinh tế cao.