(Baonghean) - Phát huy hiệu quả lợi thế rừng và đất rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp trở thành nghề bền vững đối với nhân dân nhiều địa phương ở Nghệ An. Bên cạnh đẩy mạnh liên kết phát triển vùng nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến thì việc mở rộng diện tích rừng kinh doanh gỗ lớn đem lại giá trị kinh tế cao.

Tăng diện tích rừng gỗ lớn

UBND tỉnh vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp Nghệ An đến năm 2020, trong đó có mục tiêu đạt độ che phủ rừng lên 57% và tăng giá trị sản xuất của ngành lên 4 - 4,5%/ năm.  Đề án còn có mục tiêu bảo vệ và phát triển diện tích rừng hiện có, từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ, lâm sản tiêu dùng và xuất khẩu; chuyển hóa rừng trồng hiện có sang rừng sản xuất kinh doanh gỗ lớn 15.000 ha, trồng rừng mới cây gỗ lớn trên đất chưa có rừng 8.000 ha và trồng rừng lại cây gỗ lớn trên đất đã khai thác 30.000 ha.

Những loại cây rừng gỗ lớn được chú trọng trên địa bàn gồm: keo tai tượng, bạch đàn, lát hoa, lim xanh, sao đen, mỡ trám, thông, trong đó keo là cây chủ lực với diện tích 90%. Đề án cũng coi cây thông là thế mạnh của tỉnh và duy trì phát triển 21.000 ha thông trồng ở các diện tích rừng phòng hộ và sản xuất nhằm kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

images1815124_bna_5891e7db03a4c.jpgThu hoạch keo ở xã Tân Long (Tân Kỳ).

Ông Nguyễn Cảnh Cẩn - Trưởng đoàn điều tra quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An cho biết: Để phát triển gỗ lớn lâu dài, Đoàn điều tra quy hoạch lâm nghiệp tỉnh vừa hoàn thành “Quy hoạch vùng sản xuất kinh doanh gỗ lớn tại địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025”. Theo đó, quy hoạch sẽ được triển khai ở 18 huyện, trồng 148.000 ha gỗ lớn, trong đó diện tích chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ 19.000 ha, rừng trồng mới 72.000 ha, trồng lại 57.000 ha. Hiện nay cơ bản đã có sự đồng nhất của các chủ rừng, UBND các huyện, xã, đoàn đã trình UBND tỉnh để xem xét, phê duyệt. 

Hiện tại trên địa bàn tỉnh, một số đơn vị trồng rừng gỗ lớn khá hiệu quả, như  Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sông Hiếu. Ông Hồ Đình Thế - Giám đốc công ty cho hay: Từ năm 2004 - 2005 công ty đã quy hoạch và trồng được 2.700 ha gỗ lớn, đến nay đã khai thác được 1.000 ha, còn lại 1.700 ha đang tiếp tục khai thác. Trồng rừng gỗ lớn đạt từ 140 - 160 m3/ha với chu kỳ 10 - 11 năm, doanh thu từ 180.000 - 200.000 triệu đồng/ha. Đặc biệt là rừng gỗ lớn sử dụng đa mục đích, từ gỗ ghép thanh, đến băm dăm, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao, mà còn giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất… góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Để trồng rừng gỗ lớn đạt hiệu quả, công ty chủ động nguồn giống keo lai đảm bảo chất lượng, giống cây đưa ra trồng đều được xử lý mầm bệnh, chống côn trùng và chăm sóc đúng quy trình. Trong phát triển rừng gỗ lớn cũng cần tuân thủ quy trình trồng rừng đúng lịch thời vụ, ưu tiên trồng rừng vụ xuân và xuân hè để cây sinh trưởng nhanh hơn. Đơn vị còn đầu tư hàng chục tỷ đồng duy tu, xây dựng được trên 250 km đường nguyên liệu để thuận lợi trong quá trình trồng, chăm sóc và khai thác. Để chủ động đầu ra cho sản phẩm, công ty thực hiện liên kết với các doanh nghiệp chế biến, tạo sự ổn định trong vòng quay kinh doanh rừng trồng. 

Huyện Tương Dương là một trong những địa phương cũng tập trung vào trồng cây gỗ lớn. Tính đến thời điểm này toàn huyện có khoảng 7.200 ha rừng nguyên liệu, trong đó cây xoan, lát trồng hỗn giao chiếm 80%. Hiệu quả từ trồng xoan đã được khẳng định, vừa dễ trồng, vừa dễ tiêu thụ. Ngoài các cơ chế chính sách đầu tư của Nhà nước về trồng rừng như dự án 147, chương trình 30a…, hàng năm huyện Tương Dương đều hỗ trợ bà con từ 2,5 - 2,7 tỷ đồng trồng rừng (hỗ trợ 100% giống cây).

Trong năm 2016, Tương Dương trồng trên 1.000 ha rừng, trong đó diện tích keo chiếm 800 ha còn lại là xoan đâu, trong đó 450 ha trồng rừng gỗ lớn để phục vụ Nhà máy chế biến gỗ và ván sợi công nghệ MDF ở huyện Nghĩa Đàn. Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng NN & PTNT huyện Tương Dương cho biết: Nếu trồng keo gỗ lớn, thời gian từ 8 - 10 năm thu nhập vẫn cao ngang bằng với giá xoan, về tương lai sẽ thuận lợi hơn khi nhà máy có hợp đồng, bao tiêu sản phẩm cho người trồng rừng…

Trong năm 2017, UBND tỉnh giao cho Sở NN & PTNT triển khai việc tạm giao kế hoạch trồng rừng cho các địa phương, đơn vị dự án trồng 17.000 ha rừng nguyên liệu (tăng hơn năm 2016 là 1.000 ha). Đặc biệt năm nay tỉnh quy hoạch trồng rừng gỗ lớn khoảng trên 4.000 ha tập trung ở các huyện Thanh Chương, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn...

Để trồng rừng gỗ lớn đạt hiệu quả, tỉnh hỗ trợ 50% giá cây giống keo lá tràm, keo tai tượng, sao đen (ươm bằng hạt hoặc nuôi cấy mô) đạt tiêu chuẩn cho hộ nông dân trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp được giao, hoặc cho thuê trong vùng quy hoạch sản xuất kinh doanh rừng gỗ lớn được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ 50% giá cây giống cây bản địa (lim xanh, lát hoa, trám) cho các hộ dân trồng rừng trên đất lâm nghiệp được giao, hoặc cho thuê trong quy hoạch vùng sản xuất kinh doanh rừng gỗ lớn được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Chủ động “lấy ngắn nuôi dài”

Việc phát triển trồng rừng được người dân nhiều địa phương chú trọng. Tuy nhiên, đa số các hộ dân chủ yếu là trồng và thu hoạch keo non. Nếu chỉ trồng trong khoảng 4 - 6 năm thu hoạch, mỗi ha keo chỉ bán được trên 40 triệu đồng, tính ra không có lãi. Trong khi đó, trồng cây gỗ lớn có thể cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng. Vấn đề đặt ra là việc trồng rừng gỗ lớn sẽ tăng gấp đôi vòng quay trồng và khai thác, vì vậy, người dân gặp những khó khăn trong việc “lấy ngắn nuôi dài”.

Theo đánh giá chung, chất lượng rừng trồng hiện nay chưa cao, hiệu quả kinh tế từ việc khai thác rừng trồng còn thấp. Người trồng keo đang kinh doanh theo chu kỳ ngắn phục vụ nguyên liệu giấy và băm dăm, sản phẩm thu hoạch chưa có tính cạnh tranh, giá trị kinh tế thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy phát triển rừng gỗ lớn là hướng đi bền vững. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi sự liên doanh, liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp trong hỗ trợ người trồng rừng “nuôi rừng” và cam kết tiêu thụ sản phẩm ổn định, tăng giá trị của rừng nguyên liệu. 

Xuất bán cây giống ở Yên Thành. Ảnh Thái Dương


Qua trao đổi, ông Đặng Xuân Minh – Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết thêm: Để phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh trong điều kiện hiện nay cần phải chú trọng công tác quy hoạch và triển khai các giải pháp đồng bộ về đất đai, khoa học kỹ thuật, lâm sinh và quản lý tổ chức sản xuất đến việc ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, việc trồng rừng gỗ lớn đang còn khó khăn. Bởi thời gian chăm sóc, bảo vệ dài, tối thiểu gấp đôi trồng rừng gỗ nhỏ dẫn đến quá trình được khai thác, thu hồi vốn đầu tư lâu, trong khi đó điều kiện người dân còn rất khó khăn.

 Văn Trường

TIN LIÊN QUAN