Những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ
Thời gian qua, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt may; Gỗ và sản phẩm gỗ; nhóm nhiên liệu, khoáng sản và vật liệu xây dựng chiếm đến 70% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Tỷ lệ hàng công nghiệp và hàng qua chế biến ngày càng tăng cao, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu hàng hóa tiếp tục được mở rộng. Đến nay, các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của hơn 150 nước và khu vực. Chủ thể tham gia xuất khẩu không ngừng được gia tăng về số lượng và hoạt động ngày càng hiệu quả, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhờ môi trường sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, quy mô hàng hóa xuất khẩu vẫn còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hiệu quả những lợi thế của tỉnh. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đứng ở vị trí thứ 35/63 tỉnh, thành phố của cả nước và đứng ở vị trí thứ 4 trong khu vực Bắc Trung Bộ (sau Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế). Kim ngạch xuất khẩu bình quân theo đầu người đạt thấp so với mức bình quân chung của cả nước. Năm 2020 đạt ~237 USD/người/năm (trung bình cả nước ~2.870 USD/năm).
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tuy có nhiều chuyển biến tích cực song tỷ lệ hàng công nghiệp chế biến có giá trị lớn còn thấp. Chưa xuất hiện những mặt hàng mới có đóng góp kim ngạch lớn; các mặt hàng có giá trị gia tăng cao chiếm tỷ trọng thấp. Kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc vào các mặt hàng công nghiệp như dệt may, da giày, điện tử và linh kiện máy tính... phần lớn vẫn mang tính gia công, lắp ráp. Toàn tỉnh chỉ có 02 mặt hàng đạt kim ngạch trên 100 triệu USD.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chưa cao và thiếu tính bền vững, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra còn chậm; tăng trưởng xuất khẩu vẫn chủ yếu là tăng trưởng theo chiều rộng, trong đó, hàng hóa sử dụng tài nguyên thiên nhiên và sức lao động giản đơn vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu hàng xuất khẩu; tăng trưởng xuất khẩu theo chiều sâu còn hạn chế, chưa tạo ra được những mặt hàng chủ lực; có giá trị gia tăng cao và hàm lượng nội địa lớn.
Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh: Năm 2020 đạt 206,7 triệu USD, chiếm 25,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; trong khi đó trên địa bàn cả nước, các doanh nghiệp FDI chiếm trên 63% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Theo đánh giá, doanh nghiệp Nghệ An tuy nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa chủ động và nhiều hạn chế trong nâng cao năng lực cạnh tranh như: kém về kiến thức hội nhập và kinh nghiệm kinh doanh thương mại quốc tế, chưa có chiến lược kinh doanh, xuất khẩu dài hạn; ít chịu liên kết, hợp tác trong công việc, nhiều khi còn cạnh tranh nhau thiếu lành mạnh. Năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của hàng hóa và doanh nghiệp còn yếu, dễ bị tổn thương bởi các cú sốc của thị trường thế giới dẫn đến hiệu quả xuất khẩu còn thấp.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương cho rằng, xuất khẩu của Nghệ An vẫn chưa thực sự ổn định và bền vững. Giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu thấp, chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động giá rẻ, chưa có hàng hóa xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao để có thể tham gia vào khâu tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cần giải pháp đồng bộ
Giai đoạn 2021 - 2025, theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt chỉ tiêu 1.765 triệu USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 1.295 triệu USD, tăng 59,2% so với kết quả xuất khẩu giai đoạn 2016-2020. Do vậy, UBND tỉnh, Sở Công Thương, cùng các sở, ngành liên quan đang tập trung xây dựng, thông qua Đề án "Phát triển xuất khẩu của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025". Đây được coi là động thái hết sức cần thiết, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, nộp ngân sách, thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển.
Thực tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Nghệ An đang có nhiều cơ hội thuận lợi. Đó là việc Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; các Hiệp định thương mại thương mại tự do(FTA), nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP tạo điều kiện thuận lợi, mở ra cơ hội lớn trong hợp tác toàn diện và mạnh mẽ hơn với các đối tác lớn, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện. Chính phủ đã và đang nỗ lực để trở thành ”Chính phủ kiến tạo”, tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, sẽ có những tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Xu hướng chuyển dịch các dòng vốn đầu tư giai đoạn hậu dịch Covid-19, cùng với sự chuẩn bị tốt hạ tầng các khu công nghiệp như VSIP; WHA Hemaraj, hạ tầng giao thông, cảng biển, hàng không, đường sắt,... không ngừng được nâng cấp, đầu tư sẽ mở ra cơ hội để Nghệ An tạo dựng nguồn hàng thúc đẩy xuất khẩu.
Tuy vậy, các Hiệp định thương mại thế hệ mới đã và đang được thực thi sẽ mang lại nhiều cơ hội cho hoạt động xuất khẩu nhưng cũng nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Nghệ An nói riêng trong điều kiện sản xuất hàng hóa; năng lực cạnh tranh và hạ tầng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Vì thế, với quan điểm không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, ngành công thương đang thực thi hiệu quả các cam kết và khai thác tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhất là các thị trường trọng điểm chiến lược (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN). Nâng cao hàm lượng chế biến, chế tạo, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, xây dựng và phát triển một số thương hiệu mạnh cho hàng hóa xuất khẩu của tỉnh.
Chia sẻ về giải pháp tới đây, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương cho biết thêm, ngành đang tập trung củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng quy mô của các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu; tiếp tục kịp thời nắm bắt và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp nhất là về vốn, lao động, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý thuế, hải quan, đất đai, kiểm dịch; tiếp tục tháo gỡ “nút thắt” trong vận tải và dịch vụ logistics… để kích thích mở rộng sản xuất hàng xuất khẩu. Tập trung ứng dụng công nghệ trong việc tìm kiếm, khai thác thị trường nước ngoài kết hợp với tăng cường công tác thông tin, dự báo thị trường. Đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo, tư vấn về thuế, tiếp cận thị trường, vận dụng có hiệu quả ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam là thành viên.