Xây dựng mô hình trồng giống ngô biến đổi gene
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An, đến ngày 20/8, tổng diện tích ngô thu đông nhiễm sâu trên địa bàn tỉnh đã lên tới trên 1.520 ha trong đó hơn 430 ha nhiễm nặng.
Mới gieo trỉa được hơn 1 tuần, cây ngô mới lên được 4- 5 lá, nhưng ông Nguyễn Văn Hà, xóm 7 xã Nam Tân, huyện Nam Đàn đã phải phun thuốc trừ sâu keo.
“Nó ăn nhanh lắm, nếu không phun kịp thời, chỉ vài ngày nữa là cây ngô chỉ còn gốc. Thuốc trừ sâu mua ở đại lý ngoài thị trấn; cứ nói ngô có sâu là họ đưa thuốc chứ tôi cũng không biết tên thuốc là gì” - ông Hà lo lắng.
"Chúng tôi đang sử dụng tất cả các biện pháp để có thể hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của sâu keo; xây dựng mô hình trồng giống ngô biến đổi gene có khả năng kháng sâu cao với diện tích khoảng 250 ha”, ông Hồ Đình Thắng - Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nam Đàn cho hay.
Tại Thanh Chương, theo ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện, vụ hè thu 2019, trừ 300 m2 ngô biến đổi gene ở xã Thanh Tiên chỉ nhiễm sâu với mức độ rất nhẹ, thì toàn bộ 450 ha ngô hè thu trên địa bàn huyện đều chịu sự tàn phá nặng nề của sâu keo mùa thu.
Vụ đông năm nay, Thanh Chương dự kiến gieo trồng 3.500 ha ngô, khép kín diện tích trước ngày 30/10. Toàn huyện sẽ có 350 - 400 ha ngô biến đổi gene tại các vùng trồng ngô để từ đó so sánh, đối chứng về khả năng kháng sâu và đưa vào cơ cấu trong những vụ sản xuất tiếp theo
Biện pháp sinh học là ưu tiên số 1
Để bảo vệ hơn 20.000 ha ngô đông trước đối tượng sâu bệnh hại cực kỳ nguy hiểm và có sức tàn phá mạnh mẽ này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp một cách quyết liệt.
Tuy nhiên, theo ông Phan Duy Hải - Phó Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, trong đó phải coi biện pháp sinh học là ưu tiên số 1, tối ưu, bởi nó giúp giảm áp lực của việc sử dụng thuốc hóa học, giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường.
Để phòng trừ sâu keo, phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện, bắt diệt các ổ trứng, sâu non; sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt trưởng thành, ngăn chặn sớm sự gây hại của sâu.
Trên đồng ngô, nên trồng trước thời vụ một số diện tích ngô ngọt, ngô nếp để dẫn dụ trưởng thành đẻ trứng và tiêu diệt sâu; sử dụng chế phẩm vi khuẩn Bacillus thuringiensis để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ. Bảo vệ các thiên địch tự nhiên của sâu như ong ý sinh trứng, ký sinh sâu non, các loại bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm, chân chạy,... để kiểm soát sâu non tuổi nhỏ.