Nhận diện thực tế để vượt khó
Sản xuất vụ đông ở Nghệ An đã trở thành vụ sản xuất chính với tổng diện tích từ 38.000 - 42.000 ha mỗi vụ, bao gồm nhiều loại cây trồng khác như: ngô, các loại rau, củ, quả, khoai lang, lạc... Trong đó ngô là cây trồng chủ lực, chiếm tới 23.000 - 24.000 ha, đóng góp vào tổng sản lượng lương thực hàng năm trên địa bàn tỉnh 90.000 tấn. Riêng rau, củ, quả các loại mỗi vụ đông được sản xuất từ 11.000 - 12.000 ha, bán ra thị trường nhiều tỉnh cả phía Nam và phía Bắc.
Sản xuất vụ đông 2019 theo kế hoạch của Sở NN&PTNT được UBND tỉnh chấp thuận, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 37.200 ha cây trồng các loại. Trong đó: ngô 22.000 ha (gồm ngô lấy hạt 17.500 ha, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi 4.500 ha), năng suất ngô lấy hạt 45 tạ/ha, sản lượng 78.750 tấn; rau đậu các loại 12.000 ha, năng suất bình quân 145 tạ/ha, sản lượng 174.000 tấn, khoai lang 1.800 ha, năng suất 130 tạ/ha, sản lượng 15.600 tấn, lạc 1.400 ha, năng suất 21 tạ/ha, sản lượng 2.940 tấn.
Kế hoạch là như vậy, nhưng để đạt được chỉ tiêu kế hoạch ấy không phải là chuyện dễ, mà phải xác định đúng khó khăn để khắc phục được trong quá trình chỉ đạo thực hiện, đó là việc làm quan trọng để đạt được mục tiêu đề ra. Vậy khó khăn chủ yếu đó là những gì?
Một:Khả năng mùa mưa bão năm nay sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn Trung ương và của Đài khí tượng thủy văn vùng Bắc Trung Bộ thì mùa bão năm nay đến muộn hơn so với nhiều năm, với số cơn bão có thể ảnh hưởng trực tiếp vào đất liền khoảng 4 - 5 cơn. Về mưa, có thể mùa mưa năm nay (kể từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 11) sẽ có lượng mưa lớn hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 25% và sẽ có những trận mưa có cường độ lớn dễ gây ngập úng cả cục bộ lẫn diện rộng.
Hai: Sản xuất vụ đông chịu ảnh hưởng rất lớn về thời tiết và cả thời vụ gieo trồng. Thời tiết chủ yếu là mưa, lũ lụt và gió bão. Từ đó, nếu gieo trồng sớm thì dễ mất trắng do mưa lớn gây ra lũ lụt và thậm chí có cả gió bão, nhất là vùng đất bãi ven sông, vùng đất 2 lúa đồng bằng. Nếu gieo trồng muộn thì ảnh hưởng đến thời vụ vụ xuân kế tiếp sau đó. Vì vậy đã có rất nhiều trường hợp phải thu hoạch non, nhất là cây ngô thì năng suất giảm, hiệu quả rất thấp.
Ba:Sản xuất vụ đông năm nay được dự báo thời tiết ấm, nhiệt độ cao trung bình nhiều năm từ 1,0 - 1,50C. Vì vậy sẽ có nhiều sâu bệnh gây hại.
Giải pháp sản xuất vụ đông hiệu quả cao
Thứ nhất: Về cơ cấu cây trồng và thời vụ gieo trồng phải căn cứ địa hình cao, thấp, trũng; đất đai tốt, xấu; trình độ sản xuất và thâm canh của bà con nông dân; khả năng đầu tư cho sản xuất và nhu cầu thị trường về tiêu thụ của từng loại sản phẩm làm ra. Trên cơ sở đó, trồng cây gì và gieo trồng lúc nào.
Qua theo dõi nhiều vụ sản xuất vụ đông vừa qua cho thấy hướng cơ cấu cây trồng nên đa canh nhiều loại cây trồng khác nhau. Trong đó nên ưu tiên tập trung nhiều cho sản xuất các loại rau, củ, quả như: Rau cải, cải bắp, su hào, cà chua, khoai tây, đậu leo, hành tỏi, bầu bí, dưa chuột... Các sản phẩm này thời gian sinh trưởng ngắn, gieo trồng được nhiều đợt, nhiều thời vụ, thời gian bán sản phẩm kéo dài, thị trường tiêu thụ rộng rãi...
- Đối với đất bãi ven biển (vùng đất bãi ngang phía đông đường quốc lộ 1 từ Vinh ra đến Quỳnh Lưu), vùng này đất cát pha thịt nhẹ, hầu như rất ít bị ngập úng khi có mưa to. Vì vậy cây trồng chủ yếu là rau, củ, quả các loại và ngô. Cây ngô vừa là ngô lấy hạt phục vụ chăn nuôi, vừa là ngô thực phẩm (ngô nếp, ngô ngọt thu hoạch bắp non để luộc bán ra thị trường). Trên đất này có thể gieo ngô thuần, ngô có xen các loại rau ăn lá như: rau cải, cải bắp, su hào.. Thời vụ gieo trồng càng sớm càng tốt.
- Trên vùng đất bãi ven sông, cơ cấu chủ yếu ngô và các loại rau, củ, quả. Khuyến khích trồng ngô xen các loại rau, củ, quả. Nhưng, vùng này chỉ nên gieo trồng vào cuối mùa mưa (từ trung tuần tháng 10 trở đi) để tránh nước sông dâng cao khi có mưa to gây ngập úng làm thiệt hại.
- Ở các vùng đồng bằng, chỉ nên gieo trồng ở những vùng đất cao ít bị ngập lụt khi có mưa to. Cây trồng có thể là ngô (ngô lấy hạt hoặc ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi), khoai lang, bầu bí, rau màu các loại... Thời vụ gieo trồng cần được thực hiện sau khi đã thu hoạch xong vụ lúa hè thu.
Để trồng ngô trên đất 2 lúa cần lưu ý: gieo ngô vào bầu hoặc làm mạ ngô. Khi cây ngô có từ 2,5 - 3,0 lá đưa bầu ngô và mạ ngô ra để trồng, cách làm này rất tốt ở vùng trồng ngô trên đất lúa sau khi thu hoạch xong vụ hè thu. Với ngô sinh khối, phải gieo dày gấp 1,5 - 2,0 lần so với ngô trồng lấy hạt.
Thứ hai: Không gieo trồng cây vụ đông vì phong trào, vì sức ép giao chỉ tiêu kế hoạch từ cấp trên xuống. Đã trồng là có đầu tư thâm canh, đã trồng là ăn chắc, đã trồng là có hiệu quả. Vì vậy phải bố trí cây trồng hợp lý, gieo trồng và thâm canh đúng theo quy trình hướng dẫn.
Thứ ba:Cảnh giác và chủ động phòng chống sâu bệnh và chuột. Muốn vậy, gieo trồng cây gì phải thành vùng tập trung, có quy hoạch rõ ràng để có kế hoạch và biện pháp bảo vệ tốt trước, trong và sau khi gieo trồng vụ đông, các địa phương cần phát động phong trào toàn dân tham gia tiêu diệt chuột bằng nhiều hình thức khác nhau để ngăn ngừa chuột phá hoại suốt cả vụ đông.
Về sâu bệnh, hết sức đề phòng và phát hiện sớm sâu keo mùa thu càng sớm càng tốt. Nếu có sâu keo mùa thu xuất hiện báo cáo ngay về trạm trồng trọt và BVTV ở huyện để tổ chức phòng trừ tiêu diệt ngay khi mới xuất hiện.