(Baonghean.vn) - Trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận được thông tin nhiều diện tích rừng ở các địa bàn xã Châu Hội, Châu Nga (Quỳ Châu) bị tàn phá nghiêm trọng. Nhiều cánh rừng phía tả ngạn sông Hiếu đoạn qua các địa bàn này bị chặt phá trái pháp luật để trồng keo, lấy gỗ đốt than… gây ảnh hưởng không nhỏ đến độ che phủ, tác động xấu đến hệ sinh thái rừng đầu nguồn. Trong khi đó, hầu hết các cánh rừng này đều đã được Nhà nước giao đất, giao rừng cho người dân theo Nghị định 163 của Chính phủ.
Mật phục xe chởgỗlậu
Đêm 14 rạng ngày 15/3 sau khi bí mật thâm nhập, theo dõi phóng viên Báo Nghệ An đã phát hiện xe ô tô tải mang BKS 37C - 03624 có hành vi chở gỗ ra khỏi rừng. Giữa đêm, nhóm phóng viên đã trực tiếp “xông” vào trụ sở Đội kiểm lâm cơ động PCCR Số 3 (Chi cục Kiểm lâm Nghệ An) để thông báo. Đội kiểm lâm cơ động số 3 đã xác định xe tải BKS 37C - 03624 do lái xe là Nguyễn Ngọc Hoàn cư trú ở xã Châu Bình (Quỳ Châu) điều khiển. Số gỗ mà lái xe Nguyễn Ngọc Hoàn vận chuyển vào đêm 14, rạng 15/03/2016 là khai thác trái phép tại địa bàn xã Châu Nga. Đây là loại gỗ thuộc nhóm 7, nhóm 8, khối lượng tịch thu là 2,9m3.
Mở rộng tìm hiểu, nhóm PV Báo Nghệ An vượt hàng chục km vào địa bàn bản Kẻ Tằn 2 xã Châu Hội (Quỳ Châu - Nghệ An). Đây là khu vực mà phần lớn các diện tích rừng được Nhà nước giao cho hộ dân khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ theo Nghị định 163 của Chính Phủ. Ngoài ra trên địa bàn còn có hơn 2.000 ha rừng thuộc Công ty Lâm nghiệp huyện Quỳ Châu quản lý.
Tại khu vực suối Khe Quến, bản Kẻ Tằn 2, có khoảng 2 ha rừng đã bị chặt hạ. Ông Lê Văn Ban một trong những chủ hộ có diện tích rừng vừa chặt phá ở bản Kẻ Tằn 2 cho hay, trong bản cũng còn nhiều hộ nữa cũng đang phát rừng để trồng keo nguyên liệu. Một phần rừng bị phát đã được Nhà nước cấp bìa đỏ cho các hộ dân trong bản.
Phần lớn những người dân có diện tích rừng bị chặt phá khi được hỏi đều phân trần rằng họ chỉ chặt phá rừng non để trồng keo và tận dụng một số gỗ củi để đốt than. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi có rất nhiều cây gỗ lớn trên vạt rừng ngay cạnh Khe Quến đã bị chặt hạ không thương tiếc. Có những thân cây phải 2 người ôm mới xuể. Một số người dân ở bản Kẻ Tằn 2 cho biết vẫn có tình trạng người dân chuyển gỗ về dựng nhà và bán cho đầu nậu.
Trao đổi với PV Báo Nghệ An, ông Lữ Văn Phương, trưởng bản Kẻ Tằn 2 cho biết: Thôn bản không có thẩm quyền xử lý nên chỉ báo hiên tượng vi phạm luật bảo vệ rừng cho chính quyền xã. Trong năm 2015 và đầu 2016 đã báo cáo hàng chục vụ lên chính quyền xã.
Ông Lang Anh Tý - Chủ tịch UBND xã Châu Hội cho biết: Ở Bản Tằn 2 (tức Kẻ Tằn 2- PV) không chỉ hộ ông Lê Văn Ban mà có hơn 10 hộ dân phát rừng. Riêng 2 hộ Đặng Kim Phượng và Lê Văn Ban phát nhiều nhất.
Tại thời điểm chính quyền xã đo đạc xử lý, số diện tích gia đình ông Phượng đã phát là 1,66 ha còn hộ ông Lê Văn Ban là 1,3ha. Cũng theo ông Lang Anh Tý không phải người dân xem thường luật bảo vệ rừng nhưng “thấy hộ này làm được (phát rừng) hộ khác cũng làm theo.”
Rút ruột rừng
Không chỉ có những diện tích rừng ở xã Châu Hội mà cả Châu Nga, một trong những xã có diện tích rừng rộng lớn của huyện Quỳ Châu, rừng cũng đang bị chặt phá theo kiểu rút ruột. Nhiều người dân trong một số bản trong xã vẫn ngang nhiên mang theo máy cưa lên rừng chặt hạ cây đem bán cho đầu nậu. Điều này diễn ra khá liên tục và rất dễ nhận thấy.
Lần theo nguồn tin, PV Báo Nghệ An đã trực tiếp đến địa bàn xã Châu Nga. Đứng gần trung tâm xã có thể nhìn rõ con dốc lao gỗ với màu đất đỏ tươi và nhiều súc gỗ bị nằm lăn lóc. Trực tiếp vào rừng, khi trèo lên con dốc có tên dốc Lao, chúng tôi bắt gặp khoảng 30 khúc gỗ tròn dài 4m – 5m nằm xen lẫn với những phiến gỗ cưa vuông vức chiều dài khoảng 1,2m, rộng khoảng 15cm, dày 6cm.
Rời dốc Lao, đến bản Tân Tiến, gặp một phụ nữ tên là Vi Thị Thủy, ngỡ chúng tôi là người tìm mua gỗ, chị này chỉ đống gỗ nằm trước cổng nhà mình và cho biết: bán với giá 1,4 triệu đồng/xe (loại 2,5 tấn). Chị Thủy còn đề nghị chúng tôi để lại số điện thoại để hẹn vào bốc.
Ngay cạnh với bản Tân Tiến là bản Thanh Sơn. Qua trao đổi, ông Lô Văn Cương, Trưởng bản Thanh Sơn chia sẻ, hiện có khoảng 50 % số hộ gia đình đi đốn gỗ đốt than, hoặc làm củi.
Ông Nguyễn Xuân Hòa - Chủ tịch UBND xã Châu Nga cho biết diện tích đất lâm nghiệp của toàn xã là 9685,89ha trong đó rừng sản xuất của lâm trường Quỳ Châu 5560,95ha. Rừng sản xuất của người dân là 2490,22ha, còn lại là rừng phòng hộ của Lâm trường Quỳ Châu là 1554,8ha.
Về công tác giao đất, giao rừng theo Nghị đinh 163 của Chính phủ: Năm 2003 đã cấp bìa cho 198 hộ, tương đương 1282,57ha và đât tạm giao là 98 hộ với 449,45ha. Năm 2014 – 2015 có 136 hộ được cấp bìa với 29,3ha.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hòa thì thiếu đất sản xuất và việc làm là nguyên nhân nhiều người dân trong xã vẫn vào rừng chặt trộm gỗ và phát rừng lấy đất trồng keo. Trong thời gian vừa qua chính quyền xã cũng đã xử lý hành chính 9 hộ dân cải tạo đất rừng trái quy định.
Tiếp tục mở rộng tìm hiểu, chúng tôi đi cùng nhóm công tác của UBND xã Châu Nga và Lâm trường Quỳ Châu kiểm tra thực tế. Thông qua máy đo tọa độ của lực lượng kiểm lâm có thể xác định: tại tiểu khu 174 và 176 (địa bàn Châu Nga, Quỳ Châu) đoàn phát hiện 3 điểm khai thác gỗ còn để lại dấu cưa, ván xẻ cũng như những gốc cây lớn còn tươi vết cưa.
Theo xác định đây là khu vực rừng được Nhà nước giao cho người dân quản lý, bảo vệ theo Nghị định 163 CP. Ngoài ra đoàn cũng phát hiện 2 điểm khai thác gỗ trái phép khác trên khu vực giáp ranh giữa rừng 163 và Lâm trường Quỳ Châu. Được biết lợi dụng khu vực giáp ranh, thiếu sự quan tâm của cơ quan chức năng các đối tượng đã khai thác lâm sản trái phép và tuồn ra khỏi rừng.
Nhóm PV