Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Ban Tổ chức Trung ương, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số ban, ngành liên quan. 

 

bna_img_14596965980_2792021.jpgToàn cảnh cuộc họp thường kỳ tháng 9 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

BIẾN BẤT LỢI THÀNH THUẬN LỢI

Cuộc họp diễn ra vào thời điểm Nghệ An vừa trải qua thời gian bị dịch Covid -19 tác động mạnh do đợt bùng phát trở lại trong quý III. Hiện nay, với nhiều giải pháp, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, toàn bộ 21/21 huyện, thành, thị đã chuyển sang trạng thái bình thường mới. 

Trong bối cảnh đó, trong quý I và quý II, Nghệ An đạt nhịp độ tăng trưởng khá tốt, tuy nhiên trong quý III tốc độ tăng trưởng bị chậm lại nhưng về tổng thể 9 tháng đầu năm, ước tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) vẫn đạt 6,03%. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, phản ánh nỗ lực rất cao của tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước này.

Trong đó, có thể thấy một số điểm sáng là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng 5,31%, tạo ra nền tảng ổn định cho xã hội của tỉnh; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 12,72%, chỉ tính riêng công nghiệp ước tăng tới 18,51%.

Thu ngân sách ước thực hiện 13.219 tỷ đồng, đạt 94,2% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,1 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu hàng hóa đạt 860 triệu USD, tăng 50,2% so với cùng kỳ năm 2020; thuế xuất nhập khẩu cũng tăng so với cùng kỳ…

Nghệ An thu hút đầu tư gần 22.000 tỷ đồng 9 tháng đầu năm

(Baonghean.vn) - Mặc dù chịu tác động của dịch Covid -19 song kết quả thu hút đầu tư của Nghệ An trong 9 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng dự án đầu tư vào Nghệ An tăng 30,5%, tổng mức đầu tư tăng gấp 4,97 lần.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, các ý kiến đều ghi nhận nỗ lực lớn của tỉnh trong công tác lãnh đạo, điều hành khi vừa khống chế được dịch bệnh Covid - 19, đưa toàn tỉnh về trạng thái bình thường mới; vừa tập trung các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, trước những khó khăn của người dân, doanh nghiệp do dịch bệnh thời gian vừa qua, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận các giải pháp tháo gỡ.

Trong đó, đề nghị có giải pháp tạo đầu ra cho hàng hóa nông sản, hải sản bị tồn đọng; giải quyết việc làm cho lao động từ các địa phương khác trở về địa bàn do dịch bệnh; tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 22 của UBND tỉnh;…

Phát biểu tại cuộc làm việc, sau khi phân tích một số nét chính về tình hình kinh tế - xã hội, nhất là những điểm sáng, tồn tại, hạn chế của tỉnh trong 9 tháng qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng đã trao đổi một số nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung cao nhất trong 3 tháng còn lại của năm 2021.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh quan điểm vẫn phải tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid -19, quyết tâm giữ vững thành quả đạt được.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid - 19 đã quyết định chủ trương chuyển trạng thái từ “không Covid “ sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới.

Đây là chiến lược mới, do đó, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid - 19 tỉnh sẽ tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid - 19 tỉnh giải pháp để triển khai hiệu quả chủ trương mới này phù hợp thực tiễn tại địa bàn Nghệ An.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cũng sẽ tiếp tục lãnh đạo các biện pháp phục hồi kinh tế theo hướng tập trung cho những ngành, lĩnh vực có thể tăng thêm như: nông nghiệp, công nghiệp… để bù đắp cho những ngành, lĩnh vực bị giảm sút do dịch Covid -19.

Đặc biệt, người đứng đầu UBND tỉnh cho biết sẽ tính toán để “biến những cái bất lợi thành thuận lợi”, nhất là trong lĩnh vực lao động, việc làm. Cụ thể, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở LĐ - TB&XH rà soát lĩnh vực, ngành nghề của các lao động trở về địa bàn tỉnh đã làm để có cơ sở kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng; qua đó bổ sung nguồn lao động cho thị trường lao động tỉnh.

Bên cạnh đó, liên quan đến tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, UBND tỉnh cũng sẽ chỉ đạo chuyển đổi các phương thức để thích nghi với tình hình mới. Mặt khác tỉnh cũng sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm khác như: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kiểm soát thu chi ngân sách hiệu quả.

Vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, với quan điểm không hiểu cứng nhắc khi thực hiện công tác hỗ trợ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành LĐ - TB&XH có văn bản hướng dẫn địa phương để điều chỉnh mở rộng đối tượng được hỗ trợ trong khi chưa sửa đổi Quyết định 22 của UBND tỉnh; đồng thời các địa phương cũng cần đẩy nhanh công tác rà soát, hoàn thành hồ sơ các đối tượng cần hỗ trợ để sớm giải ngân.

TĂNG TỐC PHÁT TRIỂN

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đánh giá, trong 9 tháng qua, đặc biệt là trong quý III/20219 bối cảnh có rất nhiều bất lợi do dịch Covid -19 tác động trực tiếp, sâu sắc, toàn diện đến đời sống, kinh tế - xã hội của tỉnh.

Song, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có quyết sách chỉ đạo kịp thời, UBND tỉnh điều hành rất quyết liệt, có trọng tâm; cả hệ thống chính trị vào cuộc rất kịp thời, đồng bộ linh hoạt; đặc biệt Nhân dân ủng hộ, tin tưởng và đồng hành nên đã khống chế được dịch bệnh. Kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng; các lĩnh vực xã hội có tiến bộ; quốc phòng, an ninh đảm bảo.

Nhắc lại, năm nay Nghệ An không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, do đó nhiệm vụ của 3 tháng cuối năm được đánh giá rất nặng nề, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đồng tình với những giải pháp được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình; đồng thời lưu ý thêm 3 nhóm nhiệm vụ cần thực hiện.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu kết luận về nội dung kinh tế - xã hội. Ảnh: Thành Duy

Trước hết là cần giữ vững thành quả chống dịch Covid -19 để tạo nền tảng triển khai các giải pháp phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở đó cần tăng tốc phát triển theo quan điểm ngành nào còn dư địa, còn có khả năng, có điều kiện thuận lợi thì tập trung để phát triển nhằm bù đắp phần nào cho các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, người đứng đầu Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trong quá trình lãnh đạo cần phân công công việc gắn với trách nhiệm cụ thể.

Mặt khác, vừa qua dịch bệnh đã ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, do đó cần tập trung giải quyết việc làm, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp. Đặc biệt, về hàng hóa tồn đọng do dịch, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý trước mắt cần tìm giải pháp khơi thông song về lâu dài phải có chiến lược thay đổi cách làm trên quan điểm là “muốn đi nhanh đi một mình, muốn đi xa đi cùng nhau” nên phải kết nối, liên kết lại cùng nhau sản xuất hiệu quả hơn.

Cuối cùng, người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An lưu ý cần đảm bảo công tác an sinh xã hội, an ninh trật tự; phòng, chống dịch bệnh;…

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: Thành Duy

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng khác như: dự thảo Đề án phát triển Khu Kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;...