Quan tâm mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn
Nghị quyết số 13-NQ/TW đã được tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện nghiêm túc, từ học tập, quán triệt, thể chế hóa Nghị quyết, đến việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra.
Dự kiến hết năm 2021, cả tỉnh có 822 HTX, doanh thu của HTX và thu nhập của người lao động được cải thiện. Tỷ trọng đóng góp của KTTT vào GRDP của tỉnh ngày càng tăng (năm 2001, KTTT đóng góp 4,8% GRDP của tỉnh; năm 2020 đạt 6,8%). Số lượng HTX tăng theo từng năm, chất lượng hoạt động được nâng lên. Các HTX từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là HTX nông nghiệp. Quy mô, vốn và các lĩnh vực hoạt động của HTX được mở rộng.
Hiện nay, đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới, có cách làm sáng tạo, đặc biệt. các HTX khởi nghiệp của cán bộ trẻ đã gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; một số HTX đảm nhận dịch vụ đầu vào và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW vẫn còn một số hạn chế, đó là, việc học tập, quán triệt Nghị quyết ở một số nơi hiệu quả chưa cao; một số cơ chế, chính sách ban hành chưa sát với tình hình thực tế; công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX vẫn còn một số hạn chế. KTTT phát triển chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy hết tiềm năng của HTX; Việc phổ biến, nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả chưa được triển khai rộng rãi để giúp cho người dân tin tưởng vào các lợi ích về kinh tế - xã hội do HTX mang lại…
Tiếp tục nâng hiệu quả kinh tế tập thể
Từ những vấn đề nêu trên và trên cơ sở thực tiễn về phát triển kinh tế tập thể thời gian qua ở trên địa bàn tỉnh, tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã nghiên cứu làm rõ thêm một số nội dung về quan điểm tại Nghị quyết số 13-NQ/TW.
Đó là làm rõ thêm về sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể; sở hữu của HTX và doanh nghiệp trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khi doanh nghiệp đầu tư vào HTX; Làm rõ thêm việc phân phối theo mức độ sử dụng sản phẩm dịch vụ, về lợi ích của thành viên HTX; Cần có chính sách riêng cho việc phát triển KTTT, HTX trên địa bàn dân tộc, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Về khuyến khích việc tích lũy và sử dụng có hiệu quả vốn tập thể trong HTX, theo quy định của Luật HTX 2012, đề nghị quy định trích lập quỹ đầu tư phát triển ở mức tối thiểu cao hơn để các HTX tích lũy được nguồn quỹ này ở mức cao hơn, thuận lợi cho việc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Sau khi nghe ý kiến góp ý của các đại biểu, phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định KKTT, HTX đóng vai trò rất quan trọng, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được cũng như hạn chế cần khắc phục, trong thời gian tới, để KTTT phát triển tốt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần tăng cường quản lý theo chuỗi, giám sát từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, sơ chế, lưu thông... cho đến chế biến, bảo quản mới đảm bảo được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh thực hiện liên kết ngang giữa những người sản xuất và liên kết dọc theo chuỗi giá trị sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu. Quan tâm thành lập các mô hình HTX hoạt động với quy mô liên xã, liên huyện gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Tại cuộc họp, tỉnh Nghệ An cũng đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành Trung ương một số nội dung liên quan để tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.
Mục tiêu đến năm 2030
Bình quân mỗi năm Nghệ An phát triển mới khoảng 20 THT, 40 - 45 HTX (trong đó, khoảng 35 - 40 HTX nông nghiệp); giai đoạn năm 2021 - 2030, phát triển mới khoảng 4 Liên hiệp HTX. Xóa xã trắng về HTX; thu hút được từ 60 – 70% lao động ở nông thôn tham gia vào khu vực KTTT, HTX. Có khoảng 79-80% HTX hoạt động có hiệu quả. Có khoảng 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; có 100% HTX thực hiện chuỗi giá trị được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. 100% cán bộ quản lý HTX được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX đạt khoảng 12 triệu đồng/tháng.