GIỮ MÙA XUÂN XANH
Để phát huy những kết quả đạt được trong năm 2020, chuẩn bị tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 thiết thực, hiệu quả đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phong trào bảo vệ, phát triển rừng, đặc biệt là kế hoạch trồng rừng vụ Xuân năm 2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị về tổ chức “Tết trồng cây” Xuân Tân Sửu và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng năm 2021. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành, thị; các đơn vị, chủ rừng… tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021.
Các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật trước, trong và sau dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Lễ phát động Tết trồng câyXuân Tân Sửu năm 2021 được tổ chức phát động ở cấp tỉnh, dự kiến được tổ chức tại huyện Nam Đàn vào 08 giờ 30 phút, ngày 19 tháng 02 năm 2021 (thứ 6), tức ngày mồng 8 tháng Giêng năm Tân Sửu.
Nghệ An tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp; Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021; Xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025.
Nghệ An chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật trước, trong và sau dịp tết Nguyên đán Xuân Tân Sửu 2021.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sau khi tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây”, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng cũng như diện tích rừng trồng hiện có để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt; tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện "Tết trồng cây" và công tác trồng rừng, bảo vệ rừng tại địa phương, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt. Tổng hợp báo cáo kế hoạch tổ chức và kết quả thực hiện về UBND tỉnh (Qua Sở Nông nghiệp và PTNT) theo quy định.
Ngành chức năng tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt và tăng tỷ lệ sử dụng giống mô, hom; tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng đảm bảo đạt tỷ lệ cây sống cao; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; thực hiện chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt.
Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ trì, phối hợp với các Sở, địa phương liên quan tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch, địa điểm tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây cấp tỉnh Xuân Tân Sửu năm 2021. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thành, thị và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể triển khai Tết trồng cây phù hợp với từng địa phương, đảm bảo hiệu quả, thiết thực và tiết kiệm. Yêu cầu các Giám đốc các Sở, ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, thủ trưởng các đơn vị, chủ rừng, các tổ chức liên quan chỉ đạo triển khai và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
TRỒNG RỪNG NGUYÊN LIỆU SAU TẾT TRỒNG CÂY
Sau lễ phát động Tết trồng cây Xuân Tân Sửu, Nghệ Ancũng sẽ triển khai trồng rừng nguyên liệu trên khắp các huyện.
Ông Nguyễn Khánh Hồng ở xóm 2 xã Hồng Sơn, Đô Lương đang trồng keo (trước dịp giáp tết Nguyên đán) cho biết: Sau khi thu hoạch 10 ha keo trước tết Nguyên đán, gia đình đã tiến hành đốt dọn xử lý thực bì và đào hố trồng rừng, hiện đã trồng được 4 ha, dự kiến khoảng mồng 8 tháng Giêng sẽ tiến hành trồng tiếp.
Cũng theo ông Hồng, trước đây trồng chay không bón phân, nay theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, chúng tôi thực hiện bón phân vi sinh trước khi trồng để cây phát triển.
Theo kế hoạch, trong năm 2021 huyện Đô Lương sẽ trồng trên 800 ha rừng keo lai, trong đó vụ xuân sẽ trồng 300 ha. Thời điểm chuẩn bị trồng rừng vụ xuân được triển khai từ trước tết Nguyên đán như công tác công tác ươm giống, dọn thực bì, đào hố cây…
Đối với địa bàn Quỳ Châu, trồng rừng nguyên liệu giúp nhiều người dân trên địa bàn ngày càng cải thiện cuộc sống, thậm chí vươn lên làm giàu.
Ông Nguyễn Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: Năm nay huyện Quỳ Châu đăng kýtrồng 1.600 ha rừng nguyên liệu, trong đó trồng rừng vụ xuân trên 600 ha, được biết nhân dân chủ yếu tự bỏ vốn trồng, các giống keo lai dâm hom và keo hạt giống ngoại được mua đảm bảo chất lượng ở các công ty lâm nghiệp trên địa bàn. Để trồng rừng tốt các xã trồng rừng đều có cán bộ kỹ thuật phòng nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện “cắm” ở cơ sở để giám sát, hướng dẫn cho bà con quy trình trồng rừng.
Ông Bạch Quốc Dũng - Chi cục trưởng, Chi cục kiểm lâm Nghệ An cho biết: Mục tiêu, trong năm 2021, Nghệ An sẽ trồng mới trên 18.000 ha rừng nguyên liệu (tăng hơn 1.000 ha so với năm 2020) để đáp ứng cho các nhà máy sản xuất gỗ ép, cơ sở gỗ dăm trên địa bàn. Riêng vụ xuân năm nay sẽ triển khai trồng trên 5.000 ha tập trung ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn...
Để đảm bảo điều kiện cho công tác trồng rừng, đến thời điểm này nhiều địa phương đang tiến hành khâu xử lý thực bì (đạt trên 70% diện tích), đào hố (đạt trên 30% diện tích).
Dự kiến sau tết Nguyên đán (từ mồng 9 âm lịch) sẽ triển khai trồng rừng vụ xuân.