Mặc dù đã hết Tết, nhưng tại các bến xe, ga tàu và các điểm đón xe Bắc Nam nằm trên Quốc lộ 1A và đường tránh Vinh vẫn có rất ít khách đi xe. So với những năm trước, năm nay lượng khách đi đã sụt giảm hẳn, đây là điều được dự tính trước bởi vì do dịch bệnh. Chính điều này đã khiến cho nhiều đơn vị vận tải bị thiệt hại lớn.
Tại Ga Vinh, năm 2020, lượng khách đi sau Tết (từ mùng Một đến 15 tháng Giêng), đạt 41.479 lượt, trung bình 2.000 khách/ngày, số lượng này so với những năm trước đã giảm nhiều. Tuy nhiên dịp đầu năm nay, con số này lại càng giảm xuống. Đặc biệt số đoàn tàu bị hủy chuyến và lượng vé trả lại đã tăng lên rất nhiều. Kể từ ngày mùng Một đến nay rất nhiều đoàn tàu thống nhất lập thêm chạy chiều Hà Nội – Sài Gòn đã bị hủy và điều chỉnh.
Thậm chí, ở tuyến Vinh - Hà Nội, đoàn tàu cố định NA2 nhiều chuyến không có khách đi nên cũng phải hủy. Từ ngày mùng Một đến mùng 4, mỗi ngày bình quân có 3 đoàn tàu phải bỏ, hủy chuyến. Cũng trong khoảng thời gian này, ngay tại Ga Vinh đã có 404 vé bị trả với tổng số tiền là 285 triệu đồng.
Theo ông Cao Ngọc Tuấn – Trạm trưởng Trạm vận tải đường sắt Vinh thì không thể nói hết những khó khăn mà ngành vận tải gặp phải trong những ngày đầu năm mới. Mặc dù ngành đường sắt đã giảm giá vé trong dịp Tết này xuống 30% nhưng lượng khách đi tàu vẫn rất ít, lượng vé tồn đọng còn rất nhiều. Không những thế, nhiều khách hàng còn trả vé, khiến doanh thu bán hàng vốn đã thấp lại còn bị giảm xuống nhiều.
Hiện tại ngành đường sắt đang áp dụng 2 hình thức đổi, trả vé cho khách hàng. Đó là nếu khách hàng muốn trả vé và lấy lại tiền (sau khi đã trừ chi phí theo quy định), thì phải chờ sau 90 ngày. Bên cạnh đó ngành đường sắt cũng có chủ trương bảo lưu vé tàu cho hành khách nào có nhu cầu đi lại trong năm 2021, nếu trong năm 2021 không đi tàu thì đến ngày 1/1/2022 sẽ được hoàn lại tiền.
Đối với vận tải khách bằng ô tô, mấy ngày nay ghi nhận lượng khách đi lại rất ít, thậm chí nhiều tuyến xe, số khách còn ít hơn cả ngày thường. Tại bến xe Bắc Vinh, hiện tại có 40 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại đây. Riêng trong ngày mùng Một không có xe nào chạy, từ ngày mùng 2 đến mùng 4 chỉ có khoảng 60-70 đầu xe xuất bến, so với những năm trước, lượng xe xuất bến trong những ngày sau Tết đã giảm hơn 1/3. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp, nếu những năm trước vào dịp Tết đã phải điều xe tăng cường, nhưng năm nay vừa không phải bố trí xe tăng cường lại còn phải cắt giảm và ghép chuyến.
Một lái xe tuyến Vinh – Đà Nẵng cho biết: Từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, lượng khách đi xe giảm hẳn. Mỗi chuyến xe từ Vinh – Đà Nẵng, theo tính toán thì phải đủ 30 khách thì doanh nghiệp mới hòa vốn, còn nếu dưới 30 khách thì bị lỗ. Trong dịp Tết này, không xe nào đủ con số 30 khách.
Thậm chí có nhiều chuyến, nhà xe đã phải hủy tuyến Hà Tĩnh, Quảng Bình – Đà Nẵng để xe chạy từ Vinh vào đón khách nhằm giảm chi phí.
Hiện tại, ở bến xe Bắc Vinh, ngoài các tuyến đi đến từ Hải Dương, Quảng Ninh phải dừng theo quy định, nhiều tuyến từ Vinh đi các tỉnh phía Bắc lượng khách cũng èo oặt. Dịp Tết năm nay, cũng chỉ có 11 đơn vị kinh doanh vận tải xin phép điều chỉnh giá vé, gồm các tuyến từ Vinh đi Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Sơn La… Giá vé được điều chỉnh tăng khoảng 50.000 đồng đến 300.000 đồng, tùy tuyến và tùy loại xe. Trong đó, tăng cao nhất vẫn là tuyến đi vào TP. Hồ Chí Minh và sử dụng xe cao cấp Limousine.
Ông Vũ Hoàng Huynh – Trưởng bến xe Bắc Vinh cho biết: Những diễn biến khó lường của dịch bệnh dịp cuối năm thực sự đã làm đảo lộn kế hoạch vận tải hành khách của các doanh nghiệp. Hiện tại, các doanh nghiệp cũng đang theo dõi tình hình dịch, nếu dịch bệnh lan rộng và các trường đại học ở khu vực phía Bắc cho sinh viên nghỉ thêm thì chắc chắn lượng khách từ đây tới rằm tháng Giêng sẽ tiếp tục sụt giảm./.