images2089531_k26975423_1452018.jpgKhu công nghiệp Hoàng Mai. Ảnh: Tư liệu
Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 được thành lập từ năm 2009 với diện tích quy hoạch 289,67 ha, tổng mức đầu tư trên 812 tỷ đồng tại các xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai) thuộc quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam, do Công ty CP đầu tư KCN Hoàng Mai đầu tư.
Thế nhưng, sau gần 10 năm đi vào hoạt động, phần lớn diện tích đất quy hoạch Khu công nghiệp Hoàng Mai vẫn đang “nhàn rỗi” vì chưa tìm được nhà đầu tư vào xây dựng. Một số hạng mục như tường rào bao quanh, hệ thống mương thoát nước... hiện đã xuống cấp, hư hỏng.
Theo báo cáo của Khu kinh tế Đông Nam, tính đến thời điểm hiện nay, tại KCN Hoàng Mai mới chỉ có 26ha/289 ha đất đã được doanh nghiệp tiến hành làm các thủ tục đăng ký thuê đất đầu tư xây dựng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc công tác thu hút đầu tư, triển khai dự án xây dựng tại KCN Hoàng Mai thời gian qua đang triển khai rất chậm.

Theo các cơ quan quản lý Nhà nước, nguyên nhân trên là do cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhà đầu tư…; một số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được, điển hình là Dự án xây dựng Nhà máy sắt xốp Kobelco được khởi công từ năm 2010 do Tập đoàn Thép Kobelco - Nhật Bản làm chủ đầu tư với công suất 2 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD.

Được biết, do Công ty CP đầu tư KCN Hoàng Mai đã chuyển nhượng cho Công ty Hoàng Thịnh Đạt có địa chỉ tại quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.

Một số diện tích đất ở Khu Công nghiệp Nam Cấm đã giao đất cho nhà đầu tư nhưng chưa sản xuất. Ảnh Văn Trường
Tại Khu công nghiệp Nam Cấm vẫn còn một số diện tích đất đang để hoang thành nơi chăn thả trâu bò, nhiều diện tích người dân quanh khu vực đang tái lấn chiếm để sản xuất. Theo báo cáo của Khu kinh tế Đông Nam, Khu công nghiệp Nam Cấm có diện tích quy hoạch 272 ha, trong đó có gần 69,5 ha đất chưa sử dụng. Trong đó, có 66 ha đất đã giao cho các nhà đầu tư.
Ông Lê Quang Hòa - Phó Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết: Đối với Khu công nghiệp Nam Cấm, hiện tại chúng tôi đang tiến hành rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp được cấp giấy giao đất cần phải nhanh chóng đầu tư vào khu công nghiệp. Đối với các diện tích chưa sử dụng bị dân lấn chiếm, UBND tỉnh đã giao cho UBND huyện Nghi Lộc và Khu kinh tế Đông Nam cùng phối hợp để GPMB xong trước 15/6 để giao cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh các khu công nghiệp lớn của tỉnh lãng phí đất thì còn khá nhiều cụm công nghiệp vừa và nhỏ của các huyện cũng đang trong tình trạng lãng phí đất. Như cụm tiểu thủ công nghiệp thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳ Châu) có quy mô rộng 10 ha, một số hạng mục đã thi công dang dở nay trở thành nơi chăn thả trâu, bò.

Trao đổi về vấn đề trên, đại diện phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quỳ Châu chia sẻ: Tổng kinh phí đầu tư hạ tầng cho cụm công nghiệp này trên 14 tỷ đồng, được quy hoạch để thu hút các dự án chế biến gỗ, chế biến hương trầm… tuy nhiên đang vướng mắc mặt bằng đất nông nghiệp trên 4 ha, vì thế chưa có doanh nghiệp nào vào đầu tư.

Cụm công nghiệp Na Khứu (xã Tiền Phong, huyện Quế Phong) rộng gần 13 ha được UBND tỉnh phê duyệt hạ tầng kỹ thuật từ tháng 10/2014 với tổng mức đầu tư gần 26 tỷ đồng nhưng đến nay, sau 2 năm, cụm công nghiệp này chưa được xây dựng, đất đai rộng lớn đang phải bỏ hoang.

Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Na Khứu vẫn chưa triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Địa bàn huyện có nhiều điều kiện phát triển công nghiệp chế biến dược liệu, như: Chè hoa vàng, chanh leo, bon bo, đẳng sâm... Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản chưa tập trung, cùng đó hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp còn yếu kém nên công tác kêu gọi thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, nhiều huyện có chung hoàn cảnh khi các cụm công nghiệp, khu công nghiệp “quy hoạch xong rồi để đó”, như Cụm công nghiệp Yên Thành; Cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa; Cụm công nghiệp Diễn Châu, Đô Lương…
Nguyên nhân nhiều khu công nghiệp chưa phát huy hiệu quả là do một số địa phương nôn nóng muốn phát triển nhanh các KCN theo kiểu phong trào. Huyện bạn có KCN thì huyện ta cũng phải triển khai cụm công nghiệp, khiến chất lượng quy hoạch các KCN ở nhiều địa phương rất thấp. Tiến độ đầu tư hạ tầng chậm, đầu tư thiếu đồng bộ, triển khai xây dựng các dự án tái định cư chậm...