(Baonghean) - Trong khi tốc độ đô thị hóa nhanh, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được triển khai mạnh, đất nông nghiệp của thành phố Vinh lại đang bị bỏ hoang khá nhiều.
Mùa này, đi dọc các cánh đồng của các xã, phường: Hưng Đông, Hưng Hòa, Vinh Tân, Nghi Phú... thấy không ít diện tích đất nông nghiệp còn để hoang, cây và cỏ dại mọc đầy. Dọc đường Xô Viết Nghệ Tĩnh giao với đường Hồ Tông Thốc (xã Nghi Phú) còn khá nhiều mảnh ruộng bỏ hoang từ nhiều năm qua, nguyên nhân từ khi xây dựng đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh những diện tích đất này không còn chủ động về thủy lợi. Đi sâu vào các xóm giáp xã Nghi Đức, diện tích đất màu vụ đông bỏ hoang khá nhiều.
Người dân cho biết, trước đây một vài nhà đầu tư bất động sản vào họp dân đăng ký đầu tư khu đô thị nhưng nay “một đi không trở lại”. Các cánh đồng của Hưng Đông, Hưng Hòa, hầu hết chỉ sản xuất một vụ, có nơi bỏ hoang hoàn toàn. Một số diện tích đã được thu hồi làm đất tái định cư. Hầu hết diện tích đất này trước đây là đất lúa. Có thể nhận thấy, diện tích đất bỏ hoang đều có công trình xây dựng đi qua, có công trình đang xây dựng dở, một số có dự định làm khu đô thị.
Những nguyên nhân này làm cho diện tích đất nông nghiệp ở đây không chủ động về thủy lợi, hoặc khiến bà con nông dân không còn yên tâm đầu tư sản xuất. Việc thu hồi đất nông nghiệp người dân được đền bù nhiều tiền nên phần lớn họ chuyển đổi nghề nghiệp, hoặc gửi tiền ngân hàng lấy lãi cũng làm cho họ không còn muốn sản xuất nông nghiệp. Anh Nguyễn Hưng ở xóm 15, xã Nghi Phú cho hay, gia đình từ lâu không sản xuất nông nghiệp nữa, đất đai được đền bù tiền tôi mua xe tải để chạy lấy làm nghề chính, đầu tư cho con ăn học.
Ông Võ Hoàng Thạch – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Vinh cho biết thêm: Giai đoạn 2011 - 2016, nhất là 3 năm lại đây, tốc độ thu hồi đất nông nghiệp ở thành phố Vinh diễn ra khá mạnh, năm 2016, đất nông nghiệp giảm từ 4.700 ha xuống còn khoảng 4.000 ha. Diện tích đất nông nghiệp được nhường cho các công trình trọng điểm của Nhà nước về chỉnh trang đô thị, xây dựng đường 72 m từ Vinh - Cửa Lò, đường 35 m từ Quốc lộ 46 xuống đường ven sông Lam... Do đầu tư hạ tầng nên thủy lợi, giao thông cho sản xuất nông nghiệp bị chia cắt, nhiều vùng bị ngập úng khi lũ lụt, thiếu công trình thủy lợi.
Những năm qua, thành phố đã có những quy hoạch về phát triển nông nghiệp như rau, hoa, chăn nuôi, trang trại... Các xã phấn đấu về đích NTM, tuy nhiên do đầu tư cơ sở hạ tầng, thiếu nhân lực nên quy hoạch về sản xuất nông nghiệp có khi bị phá vỡ, sản xuất nhiều xã chưa hiệu quả, manh mún. Chỉ có một số xã phát triển được nông nghiệp phục vụ ven đô như Nghi Ân, Nghi Kim, Nghi Liên... còn nhiều nơi sản xuất bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết và cách làm thiếu chuyên nghiệp.
Ở xã Hưng Hòa, do ảnh hưởng bởi môi trường của thành phố, là nước trũng dồn về nên tôm hay bị dịch bệnh. Ở Hưng Đông sản xuất rau vẫn ảnh hưởng từ bãi rác, ở Nghi Phú hầu hết đất nông nghiệp bị thu hồi làm dự án, chỉ còn những mảnh cục bộ, ở Nghi Đức cũng vậy, đất thu hồi làm đường 72m, thiếu thủy lợi, ngập úng nên sản xuất lúa bấp bênh. Ở xã Nghi Kim, việc xây dựng cầu vượt, cảng hàng không Vinh... cũng làm đất nông nghiệp bị cô lập cục bộ...
Hiện, thành phố đã có quy hoạch điều chỉnh sử dụng đất đến năm 2020. Sản xuất nông nghiệp ở thành phố nếu muốn hiệu quả cần ứng dụng KHCN. Công tác quản lý đất đai đang được hướng đến chặt chẽ hơn, nhất là đối với đất dự phòng, đất chưa sử dụng để phát triển các công trình, các khu chức năng quan trọng của đô thị theo đúng quy hoạch. Bên cạnh đó, thực hiện đề án xây dựng quỹ đất tái định cư trên địa bàn thành phố Vinh để thực hiện tái định cư các dự án giao thông trọng điểm như đường 35m, đường 72m...
Trân Châu
TIN LIÊN QUAN |
---|