Xây chợ rồi bỏ hoang
 
Những ngày đầu tháng 3/2018, phóng viên Báo Nghệ An nhận được phản ánh của người dân xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên) về việc dự án chợ ở đây đã xây dựng hơn 2 năm nhưng đến nay vẫn dang dở và đang trong tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí.
Có mặt tại xóm 2, xã Hưng Phúc, chứng kiến dự án thì thấy rằng, phản ánh của người dân là có cơ sở. Đến nay, công trình đã xây dựng được các hạng mục như: đình chợ, san nền, ki-ốt bán hàng...
Phần đình chợ hiện đã được lợp mái tôn kiên cố nhưng vẫn còn nguyên nền đất. Phía bên phải đình chợ có một dãy khoảng 10 ki ốt kinh doanh nhưng cũng đang dở dang, nhiều ki ốt chưa có cửa, nền các ki ốt vẫn còn lổn nhổn đất đá. Phía bên phải là một căn phòng rộng khoảng 10 m2 đã hoàn thiện xong phần thô nhưng chưa có cửa, nền nhà đang là chỗ chăn nuôi gia súc.
bna_image_7247595_832018.jpgViệc phát huy hiệu quả công trình tiền tỷ, tránh để hoang lâu dài đang là bài toán khó cho xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên). Ảnh: Nguyên Hưng
Trước đó, vào ngày 3/12/2015, Cổng thông tin điện tử Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đăng thông báo mời thầu rộng rãi đối với gói thầu số 6, bao gồm xây lắp phần đình chợ, san nền, ki ốt bán hàng, mương thoát nước, sân đường nội bộ thuộc dự án xây dựng chợ nông thôn xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên). Chủ đầu tư và đơn vị mời thầu là UBND xã Hưng Phúc.
Nguồn vốn xây dựng dự án được huy động lồng ghép theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bao gồm: Ngân sách tỉnh hỗ trợ, ngân sách huyện hỗ trợ, ngân sách xã và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác. Hình thức đấu thầu rộng rãi trong cả nước. Trong thông báo này cũng chỉ dẫn rõ đối với các đơn vị tham gia đấu thầu về thời gian phát hồ sơ mời thầu được “ấn định” từ ngày 8 - 19/12/2015. Địa điểm phát hồ sơ tại UBND xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên.
Tuy nhiên, nhiều nhà thầu đến UBND xã Hưng Phúc để mua hồ sơ thầu thì rất bất ngờ khi đơn vị thi công đã xây dựng những hạng mục đầu tiên như đình chợ, dãy ki ốt trên diện tích 2.000m2 ở xóm 2. Sau khi báo chí phản ánh, tổ công tác của UBND huyện Hưng Nguyên lập tức về kiểm tra và ra quyết định đình chỉ thi công, đồng thời xử phạt UBND xã Hưng Phúc 15 triệu đồng vì lỗi triển khai thi công công trình trong thời gian chưa đủ hồ sơ thủ tục. Ông Hồ Văn Đề - Chủ tịch UBND xã Hưng Phúc phân trần rằng, trước khi xây chợ, lãnh đạo xã cũng hết sức băn khoăn vì người dân không có nhu cầu. Tuy nhiên, do chợ là một trong những tiêu chí bắt buộc để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nên xã đã có phần nóng vội thực hiện dự án khi đang trong quá trình thông báo mời thầu. 
Dự án xây dựng dang dở và đã bỏ hoang hơn 2 năm nay. Ảnh: Nguyên Hưng
Kể từ sau khi xảy ra sự việc trên, nhà thầu chỉ thi công một thời gian ngắn rồi tạm dừng và công trình cũng đang bỏ hoang cho đến nay. Về nguyên nhân dự án dang dở, ông Hồ Văn Đề cho biết, thời điểm đó, UBND tỉnh hỗ trợ 1,4 tỷ đồng, ngân sách huyện và xã còn khó khăn nên chưa đủ bố trí để thực hiện dự án. Về nguồn vốn của xã, ông này cũng cho biết rằng, do địa phương chưa khai thác được quỹ đất nên chưa có tiền để trả cho nhà thầu làm tiếp. Vì thế, hiện xã vẫn đang còn nợ tiền đơn vị thi công.
Loay hoay tìm phương án 
Theo Chủ tịch UBND xã Hưng Phúc, trước đây, chợ là một tiêu chí nằm trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, nhưng sau đó cấp trên về thẩm định lại thì đã thống nhất đưa chợ ra khỏi quy hoạch chợ Nông thôn mới của xã. Đến năm 2016, xã Hưng Phúc đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Sau đó, dự án chợ được chuyển đổi mục đích thành khu dịch vụ thương mại với mong muốn phát huy hiệu quả và tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.
Xã Hưng Phúc cách trung tâm huyện Hưng Nguyên 7km về phía Đông Nam, có diện tích tự nhiên khoảng 500ha, dân số khoảng 4.000 dân với tất cả 9 xóm. Tuy nhiên, đây là một xã thuần nông và độc canh cây lúa nên thu nhập bình quân của người dân thấp, dân cư thưa thớt nên nhu cầu vào chợ rất ít. Ngoài ra, sát 2 xã bên đã có 2 chợ nên việc xây thêm chợ Hưng Phúc là không cần thiết. 
Hệ thống đình đã lợp mái tôn nhưng đang nền đất. Ảnh: Nguyên Hưng
“Hiện nay 2 đầu tiếp giáp xã đều đã có chợ, đặc biệt là chợ ở xã Hưng Châu đã có từ lâu đời, nên nếu tiếp tục xây chợ thì khó phát huy hiệu quả, người dân sẽ không mặn mà khi vào chợ để buôn bán. Vì thế, dự án chợ đã được chuyển thành khu dịch vụ thương mại nhằm tránh lãng phí tiền đầu tư xây dựng và mở rộng hơn đối tượng kinh doanh.
Trước mắt, có thể cho người dân thuê làm kho, bãi vật liệu xây dựng”, ông Đề cho biết. Cũng theo vị Chủ tịch UBND xã này, để thực hiện việc chuyển đổi thì tổng nguồn vốn cần khoảng 8 tỷ đồng. Hiện UBND tỉnh đã tiếp tục cấp thêm 1,2 tỷ đồng; UBND huyện có kế hoạch hỗ trợ 200 triệu đồng. Phần còn lại là ngân sách địa phương được lấy từ khai thác quỹ đất. Sau khi ra Tết Mậu Tuất 2018, UBND xã đã thông báo công tác giải phóng mặt bằng và dự kiến đến hết tháng 6/2018 sẽ xây dựng hoàn thành các hạng mục còn lại gồm dãy ki ốt phía trái, hành lang, đường phụ, công trình vệ sinh, hàng rào… Nếu nguồn vốn thiếu thì nhà thầu sẽ bỏ ra trước và ngân sách xã sẽ đối ứng sau.
Tuy nhiên, khi nói về tính hiệu quả sau khi chuyển đổi thì chính quyền xã Hưng Phúc vẫn chưa hết lo lắng. Bởi hiện nay, hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn xã chưa phát triển mạnh và đang manh mún, nhỏ lẻ. Người dân khi có nhu cầu mua bán vẫn thường đến chợ Mý ở xã Hưng Châu hoặc ra chợ Vinh và các đại lý khác.
Cách đó khoảng gần 1km ở xã Hưng Thịnh đang có một chợ xép tự phát hoạt động bên đường. Và như lời ông Chủ tịch xã Hưng Phúc thì nếu muốn thu hút người dân vào kinh doanh, buôn bán và mua sắm thì các cơ quan chức năng phải thực hiện tốt công tác giải tỏa hành lang vỉa hè. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ thêm kinh phí để dự án hoàn thành và có thể đi vào hoạt động trong tháng 6/2018.
Ốt kinh doanh đang được người dân sử dụng để nuôi gà. Ảnh: Nguyên Hưng
Hưng Phúc là xã nằm trong vùng giáp ranh thành phố Vinh, nên được xác định là vùng sản xuất, kinh doanh chủ lực của huyện Hưng Nguyên. Vì vậy, việc hình thành các khu dịch vụ thương mại trên địa bàn là cần thiết để phục vụ tổ hợp dự án công nghiệp, dịch vụ, đô thị VSIP - Nghệ An đang được xây dựng. Song, với nguồn vốn bỏ ra không hề nhỏ, việc làm sao để phát huy hiệu quả ở dự án trung tâm dịch vụ thương mại đã bỏ hoang hơn 2 năm nay không phải là điều đơn giản. Vì vậy, xã Hưng Phúc và huyện Hưng Nguyên cần có những giải pháp cụ thể để dự án sớm được hoàn thành, thu hút được nhiều thành phần đầu tư vào đây, tránh một lần nữa xây khu dịch vụ thương mại xong chỉ để… bỏ hoang.