Có mặt tại ruộng bí gia đình chị Phạm Thị Tuyết ở xóm Liên Khai,, xã Thanh Liên khi chị và một số phụ nữ đang thu hoạch bí xanh giữa nắng trưa. Bí quả được hái tập kết đổ thành từng đống giữa ruộng, đậy bạt chờ thương lái đến mua. Mồ hôi ướt dầm vạt áo, vừa xếp bí, chị Tuyết vừa kể, nhà chị làm 7 sào bí, bao nhiêu công sức chăm bón, nay giá bí rớt thê thảm từ 1.500 - 2.000 đồng/kg bán cũng không nổi.

bna_1746986_962020.jpgNhững luống bí đã già trên ruộng ở xã Thanh Liên. Ảnh: Huy Thư

Cả tuần qua, chờ xe đến lấy nhưng chờ mãi cũng chỉ bán được một số. Hôm nay, chị quyết định thuê nhân công thu hoạch gần hết số bí đã già để bán. Nếu bán không hết sẽ mang về sát phơi khô sau bán cho người dân nấu nước uống.

“Bí này khi già, nếu để ngoài đồng cũng không được vì cây, lá khô, gặp mưa sẽ thối. Nếu thu hoạch đưa về nhà, bảo quản tốt cũng chỉ được 15 - 20 ngày. Với số lượng bí lớn, không có diện tích để cất bí. Những năm trước, bà con ở đây cũng cất bí, sau bị thối 1/3 số lượng, bán được giá hơn chút nhưng cũng không bằng bán rẻ ngoài ruộng” - chị Tuyết cho biết.

Người dân địa phương đang thu hoạch bí xanh. Ảnh: Huy Thư

Do đó, đến thời điểm thu hoạch bí, dù rẻ người trồng bí cũng phải bán cho hết, vì “để ngoài đồng cũng không được, đưa về nhà cũng không xong”.

Cũng giống hoàn cảnh của chị Tuyết, nhà anh Phan Bá Thắng (42 tuổi) ở xóm Liên Đức tuy chỉ làm 5 sào bí nhưng vẫn rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười”. Sáng 9/6, anh Thắng huy động nhân lực thu hoạch gần hết số bí đã già trên ruộng. Gọi điện cho lái buôn, chờ sáng đến trưa, mới có 1 xe ô tô đến mua. Sau một lúc ngã giá, anh đã phải bán tháo 1 xe ô tô bí với 3 triệu đồng, tính ra giá bí chỉ được 1.500 đồng/kg.

Chị Phạm Thị Tuyết - một nông dân trồng bí lâu năm ở xã Thanh Liên cho biết, chưa khi nào bí rớt giá thảm mà vẫn ế như hiện nay. Ảnh: Huy Thư

Số bí đã hái còn lại, anh vận chuyển vào sắp 1 góc nhà. Anh Thắng cho biết: “Nhà em hiện có khoảng 4 tấn bí quả đang chờ bán, 2 tấn đã hái, 2 tấn còn nằm trên ruộng. Giá bí hiện nay rớt  thấp chưa từng có mà cũng không bán được.

Anh Thắng cho rằng, giá bí thấp là do nhu cầu tiêu thụ ít. Bí không được vận chuyển ra Bắc như các năm trước vì ngoài Bắc hiện rất nhiều. Người dân quanh vùng thì tiêu thụ không đáng kể, do đó bí bị ế. Giá bí thấp một phần còn bị thương lái ép giá...

Bí quả tấp thành đống được giăng bạt đậy giữa đồng. Ảnh: Huy Thư

Lứa bí muộn này, cả xã Thanh Liên có  khoảng 100 sào bí, tuy nhiên sản phẩm làm ra lại không bán nổi.  

Theo bà con, với giá bí thấp như hiện nay,  bán hết cả số bí trên ruộng cũng không đủ bù chi phí. Trung bình trồng mỗi sào bí, phải bỏ ra hơn 2 triệu đồng, trong đó có tiền mua choải (1 triệu đồng/sào) mua giống (300.000 đồng/sào) mua nilon để phủ (230.000 đồng/sào) mua phân bón, trừ sâu,  tiền thuê nhân công hái quả… Hiện có khoảng 15 tấn bí xanh đã già trên ruộng của bà con đang chưa có đầu ra.

Người dân trồng bí ở xã Thanh Liên buồn bã vì bí xanh giá rẻ vẫn không bán được. Ảnh: Huy Thư

Trước tình cảnh éo le của  1 mùa bí “đau”, vợ chồng anh Thắng dự định nếu không bán được tại ruộng, vợ chồng anh sẽ chở xe kéo đi bán lẻ ở các chợ trong huyện. Tuy khó khăn, phức tạp, nhưng cũng không cách nào khác. Anh Thắng cho rằng, bán lẻ ở chợ, giá cả có cao hơn, nhưng không biết bán khi nào cho hết lượng bí mình có. Trong khi đó công việc gia đình còn nhiều.

Nhiều tấn bí đã hái sẵn chờ người mua của một hộ dân ở xã Thanh Liên. Ảnh: Huy Thư

Nhận thấy tình trạng khó khăn của bà con nông dân, anh Nguyễn Đình Bình - Bí thư Đoàn xã Thanh Liên đã liên hệ một số nơi để "giải cứu" bí xanh cho bà con, nhưng tình hình vẫn không khả quan. “Thương bà con quê mình làm được quả bí khó khăn, nay giá bí rẻ như bèo vẫn không bán được. Hy vọng có đơn vị hay tập thể nào đó ra tay tiêu thụ giúp bà con trong hoàn cảnh này, để người dân đỡ khổ” - anh Bình chia sẻ.