Nắng nóng kéo dài, không chủ động được nước tưới nên các vùng trồng rau màu của Nghệ An đều khô hạn, rau vàng cháy lá, nhiều loại rau không chịu được nắng nóng chết khô trên ruộng. Nhiều vùng chỉ có rau mồng tơi, rau muống cạn, rau dền, rau ngót và các loại rau quả như mướp đắng, mướp, bí là còn cho thu hoạch nhưng cũng không đáng là bao.
Ở Nghi Long (Nghi Lộc) nếu như vụ Đông thời tiết thuận lợi, diện tích rau màu toàn xã lên đến cả trăm ha nhưng mùa này do nắng nóng kéo dài nên hầu hết diện tích trồng rau chuyển sang trồng các loại dưa như: Dưa chuột, dưa lê, dưa hấu... Hiện các xóm chuyên canh rau màu như xóm 13, xóm 5, 6 ở ngoài đồng cũng đều “trắng rau”.
Tại huyện Quỳnh Lưu, do nắng nóng gay gắt kéo dài trong thời gian qua khiến nhiều diện tích cà chua, rau cải, thậm chí là hành hoa – cây chịu hạn tốt nhất ở “vựa rau” này cháy khô. Ông Hồ Diên Vỹ, Giám đốc HTX nông diêm Quỳnh Minh cho biết: “Khó chăm sóc, rau sinh trưởng phát triển kém cộng thêm chi phí tưới tiêu tăng nên giá rau tăng (tăng khoảng 30% so với trước) vẫn không đủ cung ứng ra thị trường”.
Trong khi rau ngoài đồng “chết cháy” vì nắng hạn thì tại các nhà màng trồng rau ở Nghi Liên (TP.Vinh), Nam Anh (Nam Đàn) vẫn đều đặn cung ứng ra thị trường số lượng rau nhất định. Mặc dù đang là lúc nắng nóng cao điểm song hàng chục hộ nông dân ở Nghi Liên vẫn gieo trồng các loại rau và cung ứng ra thị trường mỗi ngày cả tạ rau.
Ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Liên cho biết: Xã có vùng trồng rau ở xóm 2, 3 với diện tích khoảng gần 20ha, trong khi các nơi khác, vào mùa hạn hán không thể sản xuất rau thì ở Nghi Liên vẫn duy trì được. Đó là nhờ xã đầu tư hệ thống giếng khoan tận chân ruộng; bà con đầu tư đóng cọc bê tông, làm lưới che chống nắng, cơ cấu các loại rau chịu hạn như: Mồng tơi, rau dền, mướp, bí đao…
Đặc biệt, các nhà màng với diện tích trên 7.000m2 của các HTX trên địa bàn đã đầu tư trồng rau theo hình thức hữu cơ, thủy canh, giá thể vẫn xuất bán đều ra thị trường. Giá rau bán ra thị trường cao 3-4 lần so với rau vụ Đông, đem lại thu nhập 400 triệu đồng/ha/năm.
Nhờ trồng theo phương pháp thủy canh, tưới nhỏ giọt nên trên diện tích hơn 3.000m2 nhà màng, anh Nguyễn Kim Nam (xóm 3, Nam Anh, Nam Đàn) vẫn có rau cung ứng ra thị trường hàng ngày, đem lại nguồn thu ổn định. Anh cho biết: “Chăm sóc rau mùa hè tốn công sức, chi phí cũng đội lên cao nhưng bù lại dễ tiêu thụ, giá cả cao hơn nên người trồng có lãi”.
Theo khảo sát, tại các chợ dân sinh hiện nay, giá rau xanh đội lên gấp đôi, gấp 3 so với trước đó. Chủ yếu tại các chợ vẫn là rau các tỉnh phía Bắc hoặc Đà Lạt, rau Trung Quốc còn rau “nội tỉnh” khá khan hiếm, các nhà màng chủ yếu nhập cho các trường học, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch theo hợp đồng đã ký kết từ trước. Một số loại rau như mướp, bí, thiên lý, rau muống, mồng tơi, rau dền, rau ngót… giá tăng từ 50-70% so với đầu vụ.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV, toàn tỉnh có khoảng 34.000 ha trồng rau màu các loại, tập trung chủ yếu tại các huyện đồng bằng là Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương và Thành phố Vinh. Hàng năm, sản lượng rau tại các vùng này chiếm hơn 80% sản lượng rau toàn tỉnh. Tuy nhiên, vào mùa nắng hạn, khó trong sản xuất, chăm sóc nên hầu hết diện tích trồng rau chuyển đổi sang trồng dưa, diện tích giảm, sản lượng giảm nên rau khan hiếm và giá tăng cao (gấp 3-5 lần) so với vụ Đông Xuân.