(Baonghean.vn) - Đó là thông tin được lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nêu tại cuộc làm việc với đoàn giám sát Đại biểu Quốc hội tỉnh về giải quyết các kiến nghị của cử tri sau các kỳ họp Quốc hội sáng 14/8.

1502675921442.jpgĐoàn giám sát của đoàn ĐBQH tỉnh làm việc tại Sở Tài nguyên Môi trường. Ảnh: Hoài Thu
Đoàn giám sát gồm có các Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trần Văn Mão; các đại biểu Quốc hội gồm: ông Nguyễn Hữu Cầu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh; bà Đinh Thị Kiều Trinh; đại diện HĐND tỉnh.

Trước đó, báo cáo với đoàn giám sát về công tác giải quyết kiến nghị cử tri, ông Võ Văn Ngọc - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau các kỳ họp Quốc hội khóa XIV có 21 ý kiến kiến nghị của cử tri liên quan đến các lĩnh vực sở phụ trách cần phải giải quyết. Trong đó lĩnh vực đất đai có 10 ý kiến, khoáng sản có 4 ý kiến và 7 ý kiến thuộc lĩnh vực môi trường.

Và nội dung cử tri kiến nghị nhiều nhất trong lĩnh vực môi trường là việc xử lý ô nhiễm tại các điểm tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật tại các huyện Anh Sơn (11 điểm), Diễn Châu (14 điểm). Trong đó tại huyện Anh Sơn hiện chỉ mới xử lý xong 2 điểm tại xã Thọ Sơn và khu tập thể chè nông nghiệp Kim Long; đang triển khai tại 3 điểm ở các xã Thạch Sơn, Tào Sơn và Long Sơn.

Tại huyện Diễn Châu đã xử lý xong 2/14 điểm tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật tại xã Diễn Thọ và Diễn Yên. Nguyên nhân nhiều điểm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật chưa được xử lý chủ yếu do thiếu kinh phí thực hiện.

Về vấn đề này, ông Võ Duy Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị lên cấp trên thực hiện bố trí nguồn lực để thực hiện, nhanh chóng xử lý nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sản xuất của người dân.

Các kiến nghị của cử tri về đất đai chủ yếu liên quan đến các phần đất nông lâm trường, đất rừng phòng hộ như ở huyện Quế Phong, phường Quỳnh Xuân (TX Hoàng Mai), xã Tam Thái (huyện Tương Dương); phần đất các dự án chậm triển khai hoặc hoạt động không hiệu quả như ở xã Thạch Ngàn (huyện Con Cuông), xã Nậm Nhoóng (huyện Quế Phong)…

Ông Nguyễn Hữu Cầu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Hoài Thu

Đối với lĩnh vực khoáng sản, người dân kiến nghị nhiều về tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên các lưu vực sông ở Đô Lương; việc hoàn trả mặt bằng sản xuất cho người dân ở xã Quang Phong, huyện Quế Phong

Phát biểu về các nội dung thảo luận tại cuộc giám sát, ông Nguyễn Hữu Cầu đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm hơn nữa trong việc tham gia xử lý, giải quyết các vấn đề trọng tâm cử tri phản ánh, trong đó cần nêu rõ về lộ trình và thời gian giải quyết các vấn đề cử tri kiến nghị để có thông báo rõ ràng cho người dân được biết và tăng cường bổ sung các kiến nghị cho HĐND, UBND tỉnh và các địa phương cùng tham gia.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng đề nghị sở Tài nguyên Môi trường đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân trong thực hiện cấp GCNQSĐ và giải quyết tranh chấp địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh.

Ông Võ Duy Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Hoài Thu

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, sở đã và đang phối hợp với các cấp ngành liên quan giải quyết các phản ánh của cử tri về tình trạng ô nhiễm môi trường tại các địa phương: Đô Lương, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Nhà máy xi măng Thanh Hóa, Trại tạm giam Công an tỉnh, Khu công nghiệp Bắc Vinh, Nhà máy bao bì Sabeco… Trong đó đối với sự cố vỡ đập hồ chứa bùn thải trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, ngày 19/7/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 43/QĐ-XPVPHC về xử phạt Công ty CP kim loại màu Nghệ Tĩnh số tiền 1 tỷ 70 triệu đồng và yêu cầu công ty này khắc phục các tồn tại liên quan.

Đối với các phản ánh của cử tri về việc sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, trình UBND tỉnh thu hồi 14.084 ha đất để giao lại cho UBND các huyện làm cơ sở tổ chức giao đất cho nhân dân sản xuất.

Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Võ Duy Việt cho biết" “Sở đã và đang tiến hành thanh tra, kiểm tra nhiều lĩnh vực, trong đó chú trọng các nội dung về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đặc biệt là việc sử dụng đất lâm nghiệp trên tinh thần vì lợi ích của người dân, không thể để người dân không có đất sản xuất.

Đối với vấn đề xử lý tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, vướng mắc lớn nhất là kinh phí thực hiện, đề nghị đoàn Đại biểu Quốc hội phản ánh lên các cấp ngành liên quan để sớm bố trí kinh phí".

Tại buổi làm việc, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường báo cáo và kiến nghị cụ thể hơn đối với một số nội dung liên quan đến việc cấp các nguồn kinh phí; về quá trình triển khai tổ chức thực hiện và kết quả giải quyết kiến nghị cử tri để đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, phản ánh lên các cấp ngành liên quan./.

Hoài Thu

TIN LIÊN QUAN