(Baonghean.vn)- GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh cần tăng cường quản lý người học lý luận chính trị để đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng 'bằng thật, học giả'.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giai đoạn 2011 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chú trọng lãnh đạo, triển khai việc quán triệt, học tập và nghiên cứu các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác này; cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết bằng kế hoạch, chương trình hành động và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh.

1502693126651.jpgGS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Sáng 14/8, Đoàn công tác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh do GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện làm trưởng đoàn làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Quang Huy – Phó Bí thư Tỉnh uỷ. Các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: Hồ Phúc Hợp – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Lê Minh Thông – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Văn phòng Tỉnh uỷ; lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh và một số sở, ngành.

Trình bày công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh trong thời gian qua, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn cho biết: giai đoạn 2011 - 2016, tỉnh đã đào tạo được 6.445 đồng chí trình độ sơ cấp, 8.446 đồng chí trình độ trung cấp, 1.086 đồng chí trình độ cao cấp, cử nhân về lý luận chính trị.

Về chuyên môn, tỉnh đã đào tạo được 5.258 đồng chí trình độ đại học, 965 đồng chí trình độ thạc sỹ, chuyên khoa I, 151 đồng chí đào tạo tiến sỹ, chuyên khoa II.

Tỉnh cũng đã bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên cao cấp cho 54 đồng chí, ngạch chuyên viên chính 496 đồng chí, ngạch chuyên viên 3.943 đồng chí…

Về Trường Chính trị tỉnh, tổ chức bộ máy của trường có ban giám hiệu, 3 phòng chức năng và 4 khoa chuyên môn. Trường có 76 cán bộ, nhân viên, trong đó có 45 giảng viên. Về trình độ có 44 thạc sỹ, 15 cử nhân, 5 nghiên cứu sinh; 24 người có trình độ Cao cấp lý luận chính trị, 21 người trình độ Trung cấp lý luận chính trị.

Từ năm 2008 đến hết tháng 6/2017, Trường Chính trị tỉnh đã phối hợp và trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng được 350 lớp với 26.604 học viên gồm nhiều loại hình. Công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn được đẩy mạnh với 44 đề tài khoa học cấp khoa, trường; 6 đề tài, đề án cấp tỉnh từ 2008 -2016.

Các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh đã hoàn thành việc biên soạn lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống. Đến hết năm 2016, 19/21 huyện, thành, thị trong tỉnh hoàn thành biên soạn Lịch sử Đảng bộ địa phương; 324/480 xã, phường, thị trấn hoàn thành công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng.

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, nhiều ý kiến đặt ra liên quan đến chất lượng, hiệu quả, mô hình hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện, việc phân bổ chỉ tiêu đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị cho tỉnh Nghệ An, đặc biệt là tiêu chí cho cán bộ ngành Tuyên giáo được cử đi học cao cấp lý luận chính trị; tình trạng các trường ngoài địa phương liên kết đào tạo cán bộ nhưng thiếu sự kiểm định về chất lượng…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đắc Vinh khẳng định sự quan tâm, quyết tâm của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, điều tỉnh quan tâm và cũng lo lắng nhất là vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị tỉnh.

Trường mới chỉ làm công tác đào tạo cán bộ, còn việc tham gia hoạch định chủ trương, chính sách những vấn đề lớn cho tỉnh thì mức độ ảnh hưởng vẫn chưa được như mong muốn. “Trường Chính trị phải đặt nền móng hoàn toàn những chủ trương lớn của địa phương” – Bí thư Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Với quan điểm đó, Bí thư Tỉnh uỷ cho rằng, phải có cơ chế đãi ngộ phù hợp để có thể có những chuyên gia hàng đầu về công tác, làm việc, kể cả những người đã nghỉ hưu. Mặt khác, tỉnh đang có tính toán để có thể tuyển dụng, điều động cán bộ cho trường phải đạt chất lượng cao, đặc biệt quy định tỷ lệ nhất định cán bộ phải qua cơ sở.

Bí thư Tỉnh uỷ cũng chia sẻ quan điểm sử dụng đội ngũ cán bộ cơ hữu của trường nên có mức độ, đồng thời tăng cường mời các chuyên gia, Thường trực Tỉnh uỷ, lãnh đạo các ban Đảng, UBND tỉnh tham gia giảng dạy; cũng như tăng cường thực hành cho học viên trong quá trình học tập.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cũng đề xuất Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh làm việc với Bộ KH&CN để đề nghị có chương trình nghiên cứu riêng lý luận chính trị, và có sự tham gia của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh.

Về bộ máy, chứng năng, nhiệm vụ của Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm chính trị cấp huyện, Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tập trung nghiên cứu; đồng thời Trường Chính trị tỉnh chủ động có đề xuất, để sau khi có kết quả Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII), tỉnh tiếp thu và hoàn thiện để nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn.

Về công tác chuẩn bị cho Hội thi giảng viên dạy giỏi các trường chính trị được tổ chức tại Trường Chính trị tỉnh Nghệ An vào tháng 10/2017, Bí thư Tỉnh uỷ cho biết tỉnh đã và đang tập trung chuẩn bị để hội thi tổ chức thành công tốt đẹp.

Thay mặt đoàn công tác, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đối với công tác đào tạo cán bộ, cũng như ghi nhận những ý kiến tại cuộc làm việc.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng cho biết, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sẽ hết sức chú ý linh hoạt trong xem xét các đối tượng được cử đi học cao cấp lý luận chính trị.

Giảng viên Trường Chính trị tỉnh và học viên thảo luận trong giờ học. Ảnh tư liệu

Về nội dung đào tạo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, chương trình dạy biên soạn theo tinh thần giảm thời gian lên lớp, tăng cường đi thực tế, học môn nào thi môn đó, nội dung học phải thiết yếu nhất; tăng cường mời lãnh đạo về báo cáo chuyên đề theo nội dung cụ thể; đồng thời đặt ra yêu cầu, giảng viên dạy lý luận chính trị phải luôn luôn tự đổi mới, chương trình, giáo trình chỉ là cái khung.

Người đứng đầu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng đề nghị tăng cường quản lý người học để đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng “bằng thật, học giả”, “chữ thầy trả lại cho thầy”, và người học sao chép, thụ động, thiếu tính sáng tạo.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng cũng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ Trường Chính trị tỉnh ngang tầm nhiệm vụ, trong đó tăng cường cán bộ, giảng viên về cơ sở; đồng thời cũng đồng tình việc áp dụng số lượng người học lớp trung cấp chính trị sẽ tuỳ theo chất lượng cơ sở vật chất, không quy định cứng sỹ số như hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng bày tỏ sự cảm ơn với tỉnh trong việc tích cực hỗ trợ để chuẩn bị tổ chức hội thị giảng viên dạy giỏi các trường chính trị tổ chức ở Nghệ An. Về phía Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cam kết tích cực phối hợp để triển khai đồng bộ và tổ chức kỳ thi đạt kết quả cao nhất.

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN