Sáng 16/8, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến về phát triển kinh tế khu vực biên giới.

Đồng chí Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo UBND các huyện: Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương.

15 TỈNH CÓ MỨC TĂNG TRƯỞNG GRDP CAO

Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài khoảng 4924 km; với 25 tỉnh biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của Việt Nam và các tỉnh biên giới chậm lại. Tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất trên thế giới cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng 24/25 tỉnh biên giới vẫn đạt mức tăng trưởng dương (trừ Quảng Nam tăng trưởng -7%). 15 tỉnh có mức tăng trưởng GRDP cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (2,91%), trong đó có 4 tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc, 4 tỉnh có biên giới giáp với Lào, 7 tỉnh có biên giới giáp với Campuchia. 9 tỉnh tăng trưởng dưới mức bình quân cả nước.

bna_toan_canh_hoi_nghi_anh_thu_huyen9704990_1682021.jpgToàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

6 tháng đầu năm 2021, tất cả các địa phương biên giới tăng trưởng dương, hầu hết các địa phương tăng vượt mức bình quân của cả nước.  20 tỉnh có mức tăng trưởng GRDP cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (5,64%), trong đó có 4 tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc, 9 tỉnh có biên giới giáp với Lào, 7 tỉnh có biên giới giáp với Campuchia.

5 tỉnh tăng trưởng dưới mức bình quân cả nước, bao gồm Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Đồng Tháp, Kiên Giang.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội các vùng biên giới còn chậm phát triển, so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới nói riêng và của cả nước nói chung. Cơ cấu kinh tế tại khu vực biên giới chậm chuyển dịch, vẫn dựa vào nông nghiệp là chính. Sản xuất công nghiệp tại khu vực biên giới còn hạn chế, chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh yếu. Đa số người dân khu vực biên giới chưa có mô hình sản xuất kinh tế, việc làm ổn định.

Thương mại biên giới quy mô nhỏ, mất cân đối; nguồn vốn đầu tư hạ tầng hạn chế, hạ tầng thương mại thiếu và yếu...

Tại hội nghị, đại diện một số địa phương có đường biên giới với các nước bạn đã nêu một số kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội; đề xuất, kiến nghị về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại biên giới, logistic, cơ chế chính sách huy động nguồn lực…, để phát triển kinh tế khu vực biên giới.

NGHỆ AN KIẾN NGHỊ HỖ TRỢ ĐỂ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG

Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên 16.493 km2, lớn nhất cả nước; dân số đông với hơn 3,3 triệu người. Toàn tỉnh có 21 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó 6 huyện tiếp giáp với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quế Phong, Thanh Chương) với tổng chiều dài đường biên dài nhất cả nước (468,281 km), có 27 xã (312 thôn, bản) tiếp giáp với 3 tỉnh của Lào (Bôlykhămxay, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn).

Một góc huyện biên giới Kỳ Sơn. Ảnh: Sách Nguyễn

Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhưng kinh tế - xã hội khu vực biên giới đã đạt được những kết quả nhất định. Kinh tế tăng trưởng khá và phát triển tương đối toàn diện: Tổng giá trị sản xuất năm 2020 đạt 24.870 tỷ đồng; Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2021 đạt 12.521 tỷ đồng. Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 lần lượt chiếm 30,1%, 41,3% và 28,6%. Cơ cấu kinh tế tuy chuyển dịch chậm, chưa vững chắc nhưng cơ bản đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 32,2 triệu đồng (toàn tỉnh đạt 44,01 triệu đồng).

Nghệ An mong muốn được kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền

Trong khuôn khổ chương trình hội nghị, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tuyến đường cao tốc Viêng Chăn - Paksan - Thanh Thủy - Hà Nội nhằm tạo điều kiện thông thương, qua lại, phát triển kinh tế - xã hội giữa hai nước Việt Nam - Lào và tạo tiền đề hình thành khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy. Trao đổi với Chính phủ Lào sớm công bố Cửa khẩu Nậm On (tỉnh Bôlykhămxay) thành cửa khẩu chính, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh thuận lợi. 

Hỗ trợ, bố trí kinh phí xây dựng đê chắn sóng, thường xuyên nạo vét luồng lạch đảm bảo tàu có trọng tải lớn ra vào cảng Cửa Lò. Hỗ trợ giới thiệu, kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò.

Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp tại khu vực biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn. Bố trí ngân sách xây dựng nâng cấp các tuyến đường kết nối từ các cửa khẩu, lối mở, các xã... đến các tuyến Quốc lộ (7, 48, Hồ Chí Minh); quan tâm xem xét cấp vốn để thực hiện các Dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện. Đồng thời, xây dựng, nâng cấp chợ biên giới, trước mắt ưu tiên nguồn vốn phát triển một số chợ tại địa bàn biên giới khó khăn, đông dân, hoạt động hiệu có hiệu quả và có sự tham gia của cư dân các tỉnh biên giới của Lào.

Huyện biên giới Kỳ Sơn có đường biên tiếp giáp nước bạn Lào dài 192km. Ảnh: Sách Nguyễn

Nghệ An cũng kiến nghị Bộ Ngoại giao tham mưu Chính phủ ban hành Quy hoạch phát triển cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030, để các địa phương có phương án phát triển cửa khẩu phù hợp. Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm đầu tư các trạm thu phát sóng viễn thông, internet cho khu vực biên giới, miền núi, đặc biệt là tại các cửa khẩu, lối mở, thị tứ... nhằm xóa các “vùng trũng” cho việc phủ sóng di động, internet phục vụ các cơ quan chức năng, người dân và doanh nghiệp.