Đó là trường hợp tàu cá mang biển số NA - 90444- TS, dài 16,8 m của anh Trần Văn Hùng ở xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu bị xử phạt10 triệu đồng vì hành vi không ghi đầy đủ nhật ký đánh bắt và khi đoàn kiểm tra tiếp cận thì vứt ngư lưới cụ lại trên vùng biển tự nhiên.
Tiếp đó, trong các ngày cuối tháng 5, qua kiểm tra, đoàn xử phạt 12,5 triệu đồng đối với tàu cá mang biển số NA- 70463-TS, dài 10,9m của anh Trần Văn Minh ở xã Nghi Thủy, TX. Cửa Lò vì hành vi tàng trữ công cụ kích điện trên biển; xử phạt 10 triệu đồng đối với tàu cá mang biển số NA- 90921-TS, dài 18,2m của ông Nguyễn Đình Bích ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu về hành vi không ghi đầy đủ Nhật ký khai thác thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24 mét; xử phạt 2,5 triệu đồng tàu cá mang biển số TH- 90128-TS của ông Phạm Viết Thắng ở thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) vì hành vi vứt bỏ trái phép ngư lưới cụ xuống vùng nước tự nhiên.
So với các lần ra quân trước, trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh và lãnh đạo Chi cục Thủy sản, đoàn đã cố gắng tiếp cận, kiểm tra thủ tục các tàu đánh bắt vùng lộng và xa bờ để nhắc nhở, tuyên truyền về chấp hành thủ tục khi ra khơi đánh bắt. Nhờ vậy, ngoài kiểm tra, xử phạt các tàu nhỏ đánh ven bờ vi phạm như lâu nay, đoàn đã nhắc nhở và xử phạt 3 tàu có chiều dài trên 15m đánh bắt xa bờ.
Tổng cộng, thực hiện kế hoạch kiểm tra năm 2021 của UBND tỉnh, sau 2 tháng ra quân 4 chuyến để kiểm tra, giám sát với tổng số 36 ngày trên biển; tiến hành quan sát 399 lượt phương tiện, trực tiếp tuyên truyền cho ngư dân về Luật Thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên 63 phương tiện, nhắc nhở trực tiếp 25 phương tiện vì phao cứu sinh kém chất lượng, phao áo và phao tròn để không đúng quy định; xử phạt 10 vụ/phương tiện với tổng số tiền là 75,8 triệu đồng, tịch thu 13 bộ kích điện, 1 lưới giã và 275m dây điện.