Năm 2020, huyện
Con Cuông xây dựng mô hình trồng bí xanh tại xã Môn Sơn với diện tích 2ha. Do thời tiết thuận lợi, cộng với việc được chăm sóc tốt nên bí xanh năm nay được mùa với năng suất dao động từ 45 - 50 tấn/ha.
Bí xanh trên địa bàn các huyện Con Cuông, Thanh Chương được mùa nhưng đầu ra gặp nhiều khó khăn. Ảnh: P.V Mặc dù vậy, đầu ra của bí xanh trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Được biết, trước khi bắt tay xây dựng mô hình thì đã có doanh nghiệp cam kết bao tiêu nông sản này, mặc dù vậy, do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố nên việc thu mua không thể diễn ra theo đúng kế hoạch.
Trước tình hình đó, Hội Nông dân tỉnh
Nghệ An đã chỉ đạo các cấp hội chung tay hỗ trợ người dân tiêu thụ bí xanh. Hội Nông dân huyện Con Cuông đã tuyên truyền, thông báo trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... huy động hội nông dân các xã đăng ký thu mua bí xanh cho người dân xã Môn Sơn.
Ông Nguyễn Khắc Sỹ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Con Cuông cho biết: Chỉ sau vài ngày kêu gọi, 13 xã thị trên địa bàn huyện đều đăng ký thu mua bí xanh. Đến hôm nay (31/5), Hội Nông dân đã chung tay thu mua trên 60 tấn bí cho người dân với giá 5.000 đồng/kg. Song song với đó, hội cũng đang đẩy mạnh liên kết, kêu gọi thêm các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm tiếp tục bao tiêu số bí xanh còn lại cho bà con.
Hội Nông dân các huyện đã chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ bí xanh. Ảnh: P.V Còn tại huyện Thanh Chương, bí xanh hiện cũng là một trong những nông sản khó tiêu thụ do ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh cũng như lượng cung vượt quá cầu. Hiện toàn huyện Thanh Chương có 8ha bí xanh tập trung tại các xã Thanh Liên, Thanh Lĩnh, Thanh Tiên.
Ông Nguyễn Xuân Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương cho biết: Nắm được chỉ đạo của tỉnh hội, chúng tôi đã huy động 38 hội nông dân cơ sở chung tay thu mua bí xanh cho người dân huyện nhà. Đến thời điểm hiện tại đã thu mua được 6 tấn và số lượng sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới.
Trước đó, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cũng vào cuộc kịp thời bao tiêu nhiều nông sản cho bà con. Ảnh: Q.A Được biết, trước đó Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cũng đã vào cuộc kịp thời để hỗ trợ nông dân các huyện tiêu thụ các nông sản như quýt PQ Nghĩa Đàn, cải bắp Diễn Châu, hành tăm Nghi Lộc... khiến bà con rất phấn khởi.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cho biết, việc giải cứu nông sản chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, người dân và các địa phương cần lựa chọn những loại nông sản phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng, địa hình của từng vùng và cần đẩy mạnh liên kết để đảm bảo đầu ra bền vững cho nông sản, hạn chế tối đa việc giải cứu.