Tại huyện Nghi Lộc, những ngày qua không có mưa, nắng nóng kéo dài, gió Tây Nam thổi mạnh, nguồn nước các hồ đập đã cạn, nước sông Cấm đã bị nhiễm mặn vào đến cầu N5 Nghi Thuận, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Đến ngày 2/6, có 1.660 ha lúa (trong tổng số 3.000 ha đã sản xuất) bị hạn nặng, tập trung tại các xã: Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Mỹ, Nghi Công Nam, Nghi Hưng, Nghi Long, Nghi Đồng, Nghi Diên, Nghi Vạn... Hơn 750 ha lúa tập trung tại các xã: Nghi Thuận, Nghi Long, Nghi Xá, Nghi Phương, Nghi Mỹ, Nghi Trung... do hạn chưa thể sản xuất được. Ngoài ra, 40 ha ngô bị hạn, 80 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do nắng nóng.
Nghi Lộc là huyện cuối nguồn của hệ thống Nam - Hưng - Nghi, nhưng nằm ở đầu nguồn nhiễm mặn qua trạm Bara Nghi Quang. Nguồn nước ngọt cấp cho toàn bộ hệ thống trạm bơm của huyện phụ thuộc vào điều tiết nước ngọt qua cống Nam Đàn chảy vào hệ thống Kênh Gai, và phụ thuộc rất nhiều đến mức độ bơm của các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, thành phố Vinh. Nắng hạn còn kéo dài, tình hình thiếu nước, khô hạn xảy ra trên diện rộng sẽ gây thiệt hại lớn cho hơn 3.000 ha lúa hè thu đã gieo cấy.
Anh Hồ Cao Quý - cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: Toàn huyện có 42 hồ đập lớn, nhỏ phục vụ tưới cho 2.200 ha lúa hè thu 2020. Hiện tại, 8 hồ lớn (Lách Bưởi, Khe Gỗ, Khe Thị, Khe Làng, Khe Xiêm, Nghi Công, Khe Nu, Khe Quánh) nguồn nước dao động từ 40 - 50%, cơ bản đang đủ tưới phục vụ sản xuất, trong thời gian tới nếu không có mưa bổ sung nguy cơ hạn là rất lớn. Trong 34 hồ nhỏ do địa phương quản lý nguồn nước chỉ đủ để tưới cầm chừng, thời gian tới nếu không có mưa bổ sung thì 700 ha sẽ có nguy cơ hạn nặng.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, tháng 5/2020, lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ phổ biến ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 20-65%, một số sông thiếu hụt trên 85%. Từ tháng 6 - 9/2020, dòng chảy trên các sông ở Nghệ An có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ 30-70%.
Tổng lượng mưa trung bình 5 tháng đầu năm 2020 (từ ngày 01/01/2020 đến ngày 21/5/2020) là 295 mm; Thấp hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm là 30 mm; Cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 là 70 mm.
Đến cuối tháng 5, có 37 hồ chứa do các công ty thủy lợi quản lý códung tích dưới 50%. Các hồ chứa do xã, HTX quản lý: Lượng nước các hồ còn lại khoảng 40% - 70%. Mực nước tại các công trình đầu mối hồ Thủy điện Bản Vẽ và hồ Khe Bố hầu hết thấp hơn mực nước thiết kế.
Ông Nguyễn Trường Thành – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi nhận định: Nếu trong thời gian tới không có lượng mưa bổ sung, đồng thời tiếp tục nắng nóng với nền nhiệt độ cao và gió Tây Nam thổi mạnh thì tình hình thiếu nước sẽ xảy ra, nhất là vụ sản xuất hè thu sắp tới, dự kiến khoảng 13.000 ha bị hạn, thiếu nước. Vì thế, các địa phương, đơn vị cần chủ động phương án chống hạn, quản lý nguồn nước tưới một cách hợp lý, tiết kiệm... để bà con nông dân chăm sóc cây trồng.
Chi cục Thủy lợi yêu cầu Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc phối hợp UBND các huyện, thành phố, thị xã thường xuyên theo dõi kiểm tra mực nước, đặc biệt là ở các cống đầu mối như: Đô Lương, Nam Đàn, Bến Thủy, Nghi Quang, Diễn Thành, Diễn Thủy và ở bể hút các trạm bơm… để có phương án vận hành công trình, cấp nước tưới phù hợp với tình hình nguồn nước. Các đơn vị tạo nguồn nước phải thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn trên các dòng sông, kênh dẫn và tại các bể hút, thông báo kịp thời cho các hộ dùng nước biết. Thực hiện các biện pháp ngăn không để mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, kiểm tra chặt chẽ chất lượng nước không để nhiễm mặn xảy ra...