Riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm 2018; trong đó, xuất khẩu hàng hóa 780 triệu USD, tăng 8,3%, đạt chỉ tiêu kế hoạch năm. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu trên 50 nhóm/mặt hàng các loại, trong đó một số mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2018, tiêu biểu: Hàng dệt may kim ngạch dự ước đạt 260 triệu USD (tăng 36% so với năm 2018); Bột đá vôi trắng siêu mịn kim ngạch ước đạt 43 triệu USD (tăng 7%); Hàng thủy sản kim ngạch ước đạt 15,2 triệu USD (tăng 137%); Hạt phụ gia nhựa đạt kim ngạch ước đạt 17 triệu USD (tăng 21%); Hoa quả chế biến và nước hoa quả ước đạt kim ngạch 30 triệu USD, tăng hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, chè tăng 8%, hạt tiêu tăng 37%, gạo tăng 28%, bao bì các loại tăng 20%, hàng thủ công mỹ nghệ tăng 19%.
Khó đạt mục tiêu 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu
Thực tế, phần lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu, giá hàng hóa thế giới giảm mạnh, nguồn cung nguyên liệu còn hạn chế, một số doanh nghiệp chuyển từ xuất khẩu trực tiếp sang làm chức năng nhà máy vệ tinh cho các công ty mẹ (chuyển sản phẩm về công ty mẹ ở tỉnh khác để xuất khẩu) tác động mạnh đến kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Do đó, mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 900 triệu đến 1 tỷ USD vào năm 2020 được đánh giá là khó khăn. Ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý xuất, nhập khẩu (Sở Công Thương) cho biết: “Mặc dù đã có những cố gắng, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2015 - 2018 đạt 14%, trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt tốc độ tăng trưởng 16%, nhưng với những khó khăn chung của nền kinh tế, của các doanh nghiệp trên địa bàn… thì ngành dự báo năm 2020 khả năng chỉ đạt ở dưới mục tiêu nghị quyết đề ra”.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh Nghệ An còn rất khiêm tốn so với nhiều địa phương trên cả nước. Hàng năm kim ngạch xuất khẩu mới chỉ xếp ở vị trí 30 - 35/63 tỉnh, thành trên cả nước. Một số sản phẩm xuất khẩu truyền thống trước đây như lạc nhân, thủy, hải sản đông lạnh, súc sản chế biến… kim ngạch xuất khẩu ngày càng giảm, thậm chí không còn tên trong danh mục hàng xuất khẩu (lạc nhân chỉ xuất khẩu được theo đường tiểu ngạch). Quy mô xuất khẩu vẫn còn nhỏ bé so với tiềm năng và yêu cầu phát triển; kim ngạch xuất khẩu bình quân theo đầu người vẫn đạt thấp so với mức bình quân chung của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu tuy có sự tăng trưởng qua các năm nhưng vẫn chưa thực sự vững chắc, hiệu quả chưa cao; nhiều mặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp còn phụ thuộc vào nguồn hàng ngoại tỉnh và thị trường ngoài nước (như tinh bột sắn, hạt tiêu, sản phẩm gỗ,…); hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu còn thấp. Một số vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp trong những năm gần đây liên quan đến hoạt động nhập khẩu gỗ từ Lào, hoàn thuế GTGT,... chưa được giải quyết triệt để.
Về nguyên nhân, theo Sở Công Thương, tỉnh chưa có vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa xuất khẩu với khối lượng lớn như tại một số vùng, miền khác; chưa thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực mạnh vào đầu tư các dự án phát triển sản xuất hàng nông, lâm, hải sản xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, yếu về năng lực tài chính; đa phần doanh nghiệp chưa có chiến lược kinh doanh xuất khẩu dài hạn, năng lực cạnh tranh thấp. Hạ tầng phục vụ xuất khẩu, hoạt động logistic, công nghiệp hỗ trợ phục vụ xuất khẩu còn nhiều hạn chế, chưa trở thành động lực để thúc đẩy xuất khẩu phát triển. Một số sản phẩm có nguồn cung dồi dào nhưng được các doanh nghiệp chuyển về công ty mẹ ở tỉnh khác xuất khẩu trực tiếp (dệt may, linh kiện điện thoại, vật liệu xây dựng).