Nếu như trước đây, bình quân mỗi năm một doanh nghiệp đóng tàu ở TP. Vinh đóng mới 15 con tàu, trong đó chủ yếu công suất 400CV trở lên, thì từ đầu năm 2018 đến nay, chỉ đóng mới được 1 con tàu, nhiều công nhân không có việc làm. Hạ tầng máy móc đảm đương đóng tàu công suất lớn, nhưng nay chỉ dùng để sửa chữa tàu cũ và làm mộc dân dụng.
Tại nhiều cơ sở đóng tàu của huyện Quỳnh Lưu cũng chung tình cảnh tương tự, hoạt động đìu hiu, chỉ duy trì dăm ba tốp thợ để sửa chữa tàu cho ngư dân, doanh thu sụt giảm, nhiều cơ sở rơi vào cảnh nợ nần.
Tại xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) - một trong những xã nổi tiếng nghề đóng tàu thuyền, năm 2018 này, toàn xã chưa đóng mới được chiếc tàu nào, trong khi năm ngoái xã đóng mới 10 tàu xa bờ.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản, năm 2017, toàn tỉnh có tới 132 tàu cá của ngư dân được đóng mới, nhưng năm 2018 chỉ có 34 chiếc. Nguyên nhân số lượng tàu đóng mới năm 2018 sụt giảm mạnh so với năm 2017 là do tình hình khai thác thủy sản năm 2018 hiệu quả thấp, phần lớn tàu đều lỗ, đặc biệt là tàu làm nghề lưới giã cào, lưới kéo đáy, có tàu lỗ từ 300 - 500 triệu đồng.
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản cũng cho biết, tình hình này diễn ra trên cả nước chứ không phải chỉ ở Nghệ An. Năm 2017, có nhiều tàu đóng theo Nghị định 67, đến năm 2018 không còn chính sách hỗ trợ nên số tàu đóng mới giảm mạnh.