Thông tin từ Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cho biết, sau 1 tháng kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ đặc sản gừng Kỳ Sơn, đến ngày 6/4, các tổ chức hội nông dân trên địa bàn tỉnh hỗ trợ tiêu thụ được 60 tấn. Trong đó, nhiều hội nông dân cấp xã đã hỗ trợ tiêu thụ lần 2, với số lượng hàng tấn gừng; ngành Công Thương tỉnh cũng hỗ trợ tiêu thụ được 700 kg.
Ông Phan Văn Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cho biết, năm nay sản lượng gừng của Kỳ Sơn khoảng 5.200 tấn, do thị trường khó tiêu thụ nên giá bán gừnggiảm mạnh, chỉ còn gần 6.000 đồng/kg, trong khi các năm trước giá gừng giao động trên 20.000 đồng/kg. Dù giá rớt nhưng vẫn khó tiêu thụ; tính đến ngày 6/4, sau những nỗ lực hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện, vẫn còn khoảng 4.500 tấn chưa tiêu thụ được. Chính vì thế, hàng trăm ha gừng của bà con vẫn chưa thu hoạch, có nguy cơ tái nảy mầm.
"Nếu không tiêu thụ kịp trong tháng 4 này thì bước sang tháng 5, gừng sẽ tái nảy mầm, chất lượng giảm. Quan trọng hơn nữa là trước tình trạng giá gừng rớt đáy và ế ẩm như hiện nay, đồng bào các dân tộc sẽ không mặn mà với cây gừng nữa", ông Phan Văn Mạnh băn khoăn.
Sản phẩm đặc sản gừng Kỳ Sơn được trồng trên lưng chừng núi, khí hậu quanh năm mát mẻ, chất lượng tốt, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ năm 2019. Gừng Kỳ Sơn có 2 loại: gừng dé và gừng sừng trâu, bà con kết thúc thu hoạch vào cuối tháng 4.