Sáng 8/6, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Giám đốc các Trung tâm GDTX, GDNN – GDTX nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các trung tâm trong quá trình hoạt động, đặc biệt là sau sáp nhập.
Toàn tỉnh Nghệ An có 21 Trung tâm GDTX, trong đó có 2 trung tâm cấp tỉnh và 19 trung tâm cấp huyện. Hiện, đã có 12 trung tâm sáp nhập với trung tâm dạy nghề cấp huyện và đổi tên thành trung tâm GDNN – GDTX.
Theo đánh giá việc sáp nhập đã tạo điều kiện để các đơn vị giảm bớt đầu mối, đội ngũ, tiết kiệm cơ sở vật chất, chủ động trong việc sử dụng trung tâm phục vụ địa phương.
Tuy nhiên bên cạnh đó có những khó khăn do sau sáp nhập các đơn vị đang cùng chịu sự quản lý chỉ đạo, chuyên môn của 2 sở là Sở GD&ĐT và Sở LĐ – TB&XH. Vì thế, dẫn đến việc vướng mắc trong điều hành, quản lý, công tác thi đua, khen thưởng, xếp loại.
Hiện nay, hầu hết các trung tâm đều hoạt động theo hình thức vừa học văn hóa, vừa học nghề (chiếm 90%). Nhưng trong quá trình thực hiện đang có những bất cập khó khăn trong việc bố trí giáo viên (giáo viên cơ hữu phần lớn tại các đơn vị không đủ 1 người /1 môn học).
Trong khi đó mức học phí của học sinh văn hóa thấp (80 – 100 nghìn đồng/tháng) không đủ để trả lương cho giáo viên hợp đồng. Trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu dạy và học. Một số trung tâm việc tuyển sinh còn nhiều khó khăn như Tương Dương, Con Cuông, Thị xã Thái Hòa, Quỳ Châu, Quế Phong, Thanh Chương.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại khó khăn trong quá trình thực hiện. Đồng thời mong muốn thời gian tới Sở GD&ĐT cùng với các ban, ngành liên quan cần có những điều chỉnh để tạo điều kiện cho các trung tâm hoạt động hiệu quả như cần duyệt chỉ tiêu tuyển sinh trong hai lần (để phù hợp với đối tượng tuyển sinh của các trung tâm vừa học văn hóa, vừa học nghề).
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tạo điều kiện cho giáo viên trung tâm được bồi dưỡng về chuyên môn, cần điều chỉnh học phí cho các trung tâm.
Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Khoa chia sẻ với những khó khăn của các trung tâm sau sáp nhập.
Trong thời gian tới, Sở GD &ĐT sẽ tạo điều kiện liên kết để các trung tâm tổ chức các lớp học về nâng cao chất lượng, đổi mới chương trình phổ thông và triển khai dạy nghề nhằm thuận lợi cho người học. Đồng thời, Sở sẽ chỉ đạo các trung tâm phối hợp với các trường phổ thông để xây dựng các chuyên đề giáo dục hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dạy học và ôn thi của các đơn vị.
Để làm tốt công tác phân luồng hướng nghiệp và thuận lợi cho công tác tuyển sinh, Sở sẽ xem xét và tạo điều kiện để các trung tâm linh hoạt trong quá trình tuyển sinh. Quá trình tuyển sinh sẽ phân hóa thành 2 đối tượng là tuyển sinh học sinh THCS và tuyển sinh ở các trường dạy nghề, ngoài xã hội.
Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các đơn vị cần tăng cường đẩy mạnh các hoạt động xã hội học tập và các hoạt động khác theo tinh thần đào tạo đúng với nhu cầu của xã hội, tạo được việc làm cho học sinh sau khi ra trường.