Sáng 15/4, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2045.
NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết: Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, cần phải sớm ban hành để làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ nguồn và lưới điện, bảo đảm vững chắc về an ninh cung ứng điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng an ninh của đất nước. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện Quy hoạch điện VIII từ rất sớm, rất bài bản.
Trên cơ sở phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch, năm 2019, 2020 và đầu năm 2021 Bộ Công thương đã thực hiện các bước quy trình xây dựng Quy hoạch điện VIII trên cơ sở tổng kết đánh giá kết quả của Quy hoạch điện VII.
Đến tháng 3/2021, Bộ Công thương trình chính thức với Chính phủ bản dự thảo Quy hoạch điện VIII sau khi tổ chức các hội thảo và xin ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo yêu cầu phải rà soát kỹ càng Quy hoạch để đảm bảo tính khả thi hiệu quả, với tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, đặc biệt là chống tiêu cực trong xây dựng phát triển điện lực quốc gia.
Trong đó, cần phân tích thật kỹ để cân đối nguồn thực hiện chuyển đổi phù hợp xu thế, hạn chế khí thải, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cùng với đó, chú trọng phân bổ vùng, miền để tiết kiệm, tránh lãng phí, thất thoát, hao hụt điện trong quá trình truyền tải.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian gần 1 năm, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp với Bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan, các địa phương, các đơn vị có chuyên môn, kinh nghiệm trong xây dựng phát triển điện... để lấy ý kiến góp ý vào Quy hoạch.
Phân tích về những hạn chế, tồn tại trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công thương đã trình vào tháng 3/2021, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu đặt ra phải tính được tổng công suất nguồn điện bao nhiêu cho phù hợp để tránh lãng phí và phát huy hiệu suất của các nhà máy điện; lựa chọn đặt các nhà máy điện ở đâu trên địa bàn địa phương cho phù hợp...
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết: Nhiều dự án trong Quy hoạch điện VII cần phải điều chỉnh, loại ra ngoài; một số dự án đã đưa vào Quy hoạch điện VIII trình Chính phủ vào tháng 3/2021 nếu chưa hợp lý cũng cần phải đưa ra.
Vì lợi ích chung, đảm bảo an ninh năng lượng và giá thành tốt nhất sau này, trong gần 1 năm trở lại đây, Chính phủ tổ chức gần 20 cuộc họp, tới nay dự thảo Quy hoạch đã đưa ra được tổng công suất gần 146 nghìn MW phù hợp với các quy định trên cơ sở phân bổ vùng, miền; cơ cấu nguồn điện hợp lý hơn; đường dây tuyền trải điện tiết kiệm hơn; bám sát được tinh thần của các Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ và cam kết với quốc tế...
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục cho ý kiến về quá trình triển khai Quy hoạch đã chặt chẽ, khách quan chưa?; tổng nguồn công suất; phân bổ vùng, cơ cấu nguồn điện, hệ thống truyền tải điện... để có phương án phát triển điện lực tối ưu nhất.
“Trên cơ sở đóng góp của địa phương, Bộ Công thương tiếp thu hoàn thiện thêm một bước dự thảo Quy hoạch Điện VIII, trình hội đồng thẩm định quốc gia sẽ họp, đánh giá phấn đấu trong tháng 4 này sẽ phê duyệt quy hoạch điện VIII”- Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết.
ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÙ HỢP
Tại điểm cầu Nghệ An, phát biểu góp ý tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa đề nghị dừng thực hiện dự án Nhiệt điện than Quỳnh Lập 1 và Nhiệt điện than Quỳnh Lập 2 và không đưa 2 dự án Nhiệt điện than Quỳnh Lập vào Quy hoạch điện VIII. Đề xuất xem xét, nghiên cứu phương án bổ sung cụm điện khí tại Trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập vào Quy hoạch điện VIII.
Đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch đối với dự án thủy điện Nậm Mô 1 và dự án thủy điện Mỹ Lý thuộc địa bàn huyện Kỳ Sơn được quy hoạch từ năm 2011 và được giao thực hiện từ năm 2014, tuy nhiên việc triển khai còn kéo dài và ảnh hưởng đến quy hoạch vùng miền Tây Nghệ An. Qua rà soát, xem xét tỉnh Nghệ An đề nghị đưa ra khỏi danh mục quy hoạch của 2 dự án này.
Về năng lượng tái tạo, tỉnh Nghệ An được xác định có tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo điện gió và điện mặt trời và điện sinh khối. Đặc biệt việc hình thành của Khu Kinh tế Đông Nam hiện nay đang phát triển mạnh các khu công nghiệp VSIP, WHA, khu công nghiệp Hoàng Mai 1, Hoàng Mai 2. Hiện có 4 tập đoàn điện tử đã vào đầu tư tại Nghệ An, vì vậy nhu cầu phụ tải thời gian sắp tới của tỉnh Nghệ An tương đối lớn, đấu nối tuyến của các vị trí này, ví dụ như ở Hoàng Mai rất thuận tiện.
Vì vậy, Nghệ An kiến nghị để Nghệ An có 2 dự án điện mặt trời Hồ Vực Mấu và hồ Khe Gỗ đã được bổ sung vào danh mục quy hoạch điện VII vì vậy dự án cần được sớm triển khai phục vụ hoạt động cho nhà đầu tư.
Về điện gió Nghệ An có tiềm năng tương đối lớn nhu cụm điện gió Hoàng Mai, Nam Đàn; đề nghị Bộ Công Thương đánh giá lại sự phù hợp với tiềm năng thực tế; xem xét, đưa vào danh mục tiềm năng 7 dự án điện mặt trời và 2 dự án điện gió để có cơ sở triển khai trong giai đoạn tới. Đề nghị đưa vào quy hoạch tiềm năng sinh khối Nghệ An là 250MW; tiềm năng kỹ thuật điện rác đề nghị là 30MW để có cơ sở triển khai trong giai đoạn tới.
Về phát triển lưới điện, tỉnh Nghệ An sẽ làm việc trực tiếp với Bộ Công thương để chuyển đổi một số đường dây trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng miền Tây của tỉnh.