Nhân lên niềm vui
Cách đây mấy năm về trước, đến xã rẻo cao Hữu Kiệm của huyện biên giới Kỳ Sơn, chúng tôi thường ái ngại với những con đường đất chật hẹp, lởm chởm đất, đá... Nay trở lại đây trong những ngày cuối năm, xã Hữu Kiệm đã đổi thay toàn diện. Các trục đường thôn, bản đã được nắn thẳng, đổ bê tông phẳng lỳ, giao thông ra, vào dễ dàng; các công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng khang trang.
Bản Bà, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) khởi sắc. Ảnh Xuân Hoàng Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm Nguyễn Hữu Lượng nói: Để có được những đổi thay như hôm nay, xã Hữu Kiệm phải tập trung thực hiện vừa kiến thiết xây dựng cơ sở hạ tầng, vừa tìm giải pháp xóa nghèo, tạo việc làm cho người dân. Xã Hữu Kiệm về đích NTM giữa năm 2020 là kết quả ngoài mong đợi, là niềm tự hào của cán bộ và nhân dân, bởi đây là địa phương cơ sở đầu tiên của huyện Kỳ Sơn đạt chuẩn NTM.
Cũng đang "thay da đổi thịt" là xã bãi ngang
Diễn Kim (Diễn Châu) vừa đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM cuối năm 2020. Thành quả này, ngoài sự tự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã, còn có sự hỗ trợ cả vật chất, tinh thần của những người con quê hương sinh sống trên mọi miền đất nước, các doanh nghiệp và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp trên.
Có thể nói, xã Diễn Kim đạt chuẩn nông thôn mới là dấu mốc quan trọng minh chứng cho sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, để giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới ngày càng bền vững, yêu cầu đặt ra càng nặng nề hơn, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của địa phương...
Nông dân huyện Diễn Châu sản xuất cây trồng trên đất màu. Ảnh: Xuân Hoàng Dịp cuối năm, đến bất cứ vùng nông thôn nào, nhất là những xã đã cán đích NTM, thấy được khí thế đi lên từ cảnh sắc, lòng người. Đến những con đường bê tông rộng rãi đã được người dân trồng cây xanh, những luống hoa phô sắc rực rỡ. Không khí lao động, sản xuất, đẩy mạnh các phong trào thi đua dịp cuối năm cũng không kém phần nhộn nhịp. Dáng dấp của nông thôn mới trên đà phát triển mạnh mẽ còn hiện diện ở những ngôi nhà cao tầng của người dân, những cửa hàng, cửa hiệu phong phú hàng hóa…
Năm 2020, tổng nguồn vốn Nghệ An huy động đầu tư và xây dựng nông thôn mới trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước gần 2.000 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án là hơn 2.000 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 450.000 triệu đồng; vốn tín dụng hơn 5.000 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng.
Thành quả mang lại
Phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới” đã tiếp tục phát huy hiệu quả thiết thực, toàn bộ hệ thống chính trị từ các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và đặc biệt là cộng đồng người dân đã tiếp tục tích cực tham gia, đã huy động được
nguồn lực xã hội hóa trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Phong trào “Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới” phát huy hiệu quả thiết thực và đạt nhiều kết quả tích cực. Ảnh: Xuân Hoàng Các sở, ban, ngành tích cực trong chỉ đạo, hướng dẫn và lồng ghép các nội dung thực hiện đối với lĩnh vực ngành phụ trách trong chương trình xây dựng NTM; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hội thành viên thực hiện các phong trào gắn với xây dựng NTM trên toàn tỉnh; cộng đồng người dân tích cực tham gia đóng góp ngày công, hiến đất, tiền của, trí tuệ… trong thực hiện chương trình.
Hội Liên hiệp phụ nữ đẩy mạnh phong trào thi đua cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch gắn với xây dựng nông thôn mới”; Hội Nông dân đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất giỏi”; Tỉnh đoàn với phong trào “Tuổi trẻ Nghệ An chung tay xây dựng nông thôn mới” và các hoạt động như “Thắp sáng đường quê”, “Ngày Chủ nhật xanh”; Hội Cựu chiến binh tỉnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BCH Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan các sản phẩm tham gia hội thi OCOP năm 2020. Ảnh Xuân Hoàng Có thể thấy, phong trào “Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới” trong năm đã tiếp tục phát huy có hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực trong huy động sự tham gia và đặc biệt là huy động nguồn lực xã hội hóa trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Năm 2020, Nghệ An triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong điều kiện hết sức khó khăn do thời tiết, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt tác động của đại dịch Covid-19 và mưa bão đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân. Việc huy động sức dân với vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới càng khó khăn hơn.
Càng về sau, các địa phương càng khó khăn trong xây dựng NTM, bởi những xã còn lại đều thuộc diện khó khăn của các huyện. Tuy nhiên, mỗi địa phương có cách làm riêng, phù hợp với điều kiện cụ thể, nên gặt hái được nhiều thành tích, cố gắng về đích đúng kế hoạch. Điều đáng nói là, những xã về đích NTM trong năm 2020 đều không nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Về đích NTM, không có nghĩa là đã thỏa mãn, do vậy, các địa phương sau khi hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, còn phải tiếp tục nâng cao tiêu chí, tiến tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Trong đó, tiêu chí quan trọng nhất là các địa phương tập trung áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; quan tâm đến cảnh quan môi trường xanh - sạch – đẹp.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Xã Châu Thôn, huyện Quế Phong khởi sắc từ phong trào xây dựng NTM thôn, bản. Ảnh: Xuân Hoàng
Một năm mới lại về, người dân từ đồng bằng lên miền núi thêm niềm vui quê hương đổi mới. Niềm vui đó sẽ còn được lan tỏa, bởi phong trào xây dựng NTM đang được các địa phương, cấp, ngành triển khai sâu rộng cũng như sự đồng tình ủng hộ của mỗi người dân. Với xã chưa về đích thì từng bước hoàn thành những tiêu chí đang dở dang; địa phương đã cán đích rồi, không ngừng nâng cao tiêu chí, với phương châm “xây dựng nông thôn mới có điểm xuất phát, nhưng không có điểm kết thúc”.
Thời điểm cuối năm 2020 Nghệ An có thêm 34 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 280 xã (đạt 68,36%), số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 16,5 tiêu chí/xã.