Các đồng chí: Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì cuộc họp.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy dự và chỉ đạo.
Theo dự báo, khả năng cao bão Mangkhut sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc bộ trong khoảng ngày 16 - 17/9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong khoảng ngày 16 - 17/9.
Hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc bộ và Bắc Trung bộ từ ngày 17 - 19/9.
Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến do UBND tỉnh tổ chức. Ảnh: Phú Hương Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Nghệ An có 3.845 phương tiện/18.556 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Tính đến 10h ngày 14/9, số phương tiện đang hoạt động tại vùng ven biển Nghệ An là 2.716 phương tiện/6.217 lao động; phương tiện đang hoạt động ở ngoại tỉnh và vùng đánh cá chung là 259 phương tiện/2.061 lao động.
Toàn tỉnh có trên 625 hồ đập lớn nhỏ, hiện cơ bản đầy nước, nếu mưa lớn thì các hồ chứa rất nguy hiểm; trên địa bàn có 13 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu các địa phương tổ chức ứng trực 24/24h để kịp thời ứng phó với siêu bão. Ảnh: Phú Hương Đến nay, lúa hè thu đã thu hoạch được 37.579 ha/ 58.811 ha,lúa mùa đã thu hoạch được trên 9.474 ha/37.579,85 ha; 2.726 ha diện tích nuôi trồng thủy sản đã thu hoạch trong tổng số 20.758 ha; có 696 lồng nuôi cá trên sông, hồ đập mặt nước lớn, đã thu hoạch 22 lồng.
Dự kiến, trong ngày mai 15/9, Nghệ An sẽ đưa hết các tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào khu tránh trú an toàn; trong 3 ngày tới tập trung hoàn thành thu hoạch lúa hè thu.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu: Các địa phương và ban, ngành tổ chức ứng trực đầy đủ 24/24h, theo dõi sát diễn biến của cơn bão và tình hình mưa lũ, tăng cường thông tin đến các cấp chính quyền và người dân để có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, không được có tư tưởng chủ quan.
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn cho nhân dân; kiên quyết di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, tổ chức cưỡng chế di dời khi cần thiết. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, giúp dân sơ tán người và tài sản khi có yêu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai phương án phòng chống bão. Ảnh: Phú Hương Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các địa phương và đơn vị liên quan có phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống đê sông, đê biển, đê nội đồng và hồ đập trên địa bàn. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phải liên tục cập nhật tình hình, tính toán phương án vận hành liên hồ chứa thủy điện và căn cứ tình hình thực tế để vận hành phù hợp, đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt hạ du.
Sau khi nghe báo cáo về tình hình chuẩn bị đối phó với siêu bão tại các địa phương, kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu: Sau cuộc họp này, các huyện, thành, thị phải khẩn trương triển khai phương án phòng chống bão tại địa phương.
Trong vấn đề sơ tán đảm bảo an toàn, ở các huyện miền núi phải lưu ý những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; các huyện và thị xã ven biển đề phòng nước biển dâng, ngập úng ở vùng trũng.
Chủ động phương án hỗ trợ các hộ dân vừa bị thiệt hại do bão số 3, số 4 và lũ lụt cuối tháng 8 vừa qua; không để nhân dân bị đói, rét (đặc biệt các hộ chưa có nhà ở, đang ở tạm trong lều bạt).
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ để đảm bảo an toàn công trình trong đợt lũ cuối tháng 8 vừa qua. Ảnh: Phú Hương Các huyện, thị xã ven biển phải thường xuyên cập nhật thông tin, tập trung kêu gọi tàu thuyền vào nơi an toàn, sẵn sàng lực lượng và phương tiện để cứu hộ khi có yêu cầu; chỉ đạo thu hoạch thủy sản và cây trồng, có phương án đảm bảo an toàn cho các công trình hạ tầng; ứng trực không cho người và phương tiện đi qua vùng nguy hiểm./.