Thông tin tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho biết, giá thành ethanol tại Việt Nam còn quá cao so với thế giới, thế nên sức cạnh tranh ethanol nội địa thua ethanol nhập khẩu, thậm chí giá thành sản xuất ethanol trong nước đang cao hơn giá ethanol nhập khẩu đến 800 đồng/lít. Nỗ lực giảm giá thành bằng chính sách ưu đãi để kích cầu xăng sinh học là ý kiến được một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề cập đến.
Tuy nhiên, trả lời thắc mắc của các doanh nghiệp về chính sách hỗ trợ của Chính phủ Mỹ đối với các nhà sản xuất ethanol, ông Jim Miller - Chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp và tư vấn chính sách nhiên liệu sinh học (ABPC) của Mỹ cho biết, Chính phủ Mỹ chỉ hỗ trợ bảo hiểm vụ mùa phát triển sản phẩm nông nghiệp nói chung, trong đó có bắp, lúa mì… nếu có những biến cố thiên tai bất ngờ, chứ không tài trợ trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất ethanol để làm xăng sinh học. “Chúng tôi chỉ có chính sách thuế giúp nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học phát triển dòng ethanol cao cấp không sử dụng ngũ cốc để làm ethanol, không bảo trợ cho các nhà sản xuất làm ethanol để làm xăng sinh học”, ông Jim Miller nói.
Đồng quan điểm, ông Steve Walk, Giám đốc điều hành Công ty Protec Fuel (Mỹ), đại diện Hội đồng hạt cốc Mỹ cũng cho biết không có chính sách ưu đãi riêng cho người làm ethanol, tuy nhiên lợi thế với doanh nghiệp sản xuất xăng sinh học ở Mỹ là nguồn bắp (nguyên liệu làm ethanol) phong phú, giá tốt. Thông tin từ Hội đồng hạt cốc Mỹ, hiện thị trường xăng sinh học Mỹ có trên 97% các loại xăng đều chứa 10% ethanol (E10) và sắp tới các cửa hàng bán lẻ xăng dầu sẽ bán các loại nhiêu liệu có tỷ lệ trộn ethanol cao hơn như E15, E85…
“Kinh nghiệm phát triển xăng sinh học tại Mỹ cho thấy, quan trọng là giá thành, giá thành thấp sẽ kéo người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học nhiều hơn. Tuy nhiên, Mỹ cũng mất thời gian để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng bỏ xăng khoáng, chọn xăng sinh học”, ông Steve Walk chia sẻ.
Theo Vụ Thị trường trong nước, trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa trên địa bàn cả nước đạt khoảng 4,43 triệu m3, trong đó xăng E5 RON92 đạt khoảng 1,78 triệu m3, chiếm tỷ trọng khoảng 40,18%. Trong đó, tiêu thụ xăng E5 của Tổng công ty Xăng dầu Quân đội đạt khoảng 62,53%, Tổng công ty Dầu Việt Nam (50,15%), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (47,7%)...
Ông Nguyễn Lộc An - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhận xét, tỷ lệ sử dụng xăng E5 thành công ngoài mong đợi, bởi thời gian triển khai sử dụng E5 đại trà chỉ chưa tới 9 tháng. Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới việc phát triển nhiên liệu sinh học với mục tiêu thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.