Chiều 14/9, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến ứng phó với siêu bão Mangkhut. Đồng chí Trịnh Đình Dũng - Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì.

Tỉnh Nghệ An tham gia họp trực tuyến dưới sự chủ trì của các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT.

bna__quang_canh_hop_truc_tuyen_anh_phu_huong8872528_14920184778609_1492018.jpgQuang cảnh cuộc họp trực tuyến tại đầu cầu Nghệ An. Ảnh: Phú Hương
 Hiện trên thế giới đang có 9 cơn bão hoạt động, trong đó cơn bão Mangkhut là mạnh nhất. Với cấp gió hiện tại, bão Mangkhut đạt cấp 5 (cấp lớn nhất trong thang bảng quốc tế).
Siêu bão Mangkhut với cường độ cấp 17 đang hoạt động ở vùng biển phía Đông Philippin, và bắt đầu ảnh hưởng đến đảo Ludong; dự báo sẽ đi vào Đông Bắc biển Đông trong sáng ngày 15/9 với sức gió cấp 14 - 15, giật cấp 17; có khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta vào ngày 17/9; vùng bị ảnh hưởng trực tiếp là khu vực Bắc bộ đến Thanh Hóa (27 tỉnh, thành phố); cường độ bão rất mạnh (cấp 11 - 12, giật cấp 14) và gây mưa lớn cho khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ.
Bão gây sóng lớn cao 14m ở khu vực Bắc biển Đông, cao 5m ở quần đảo Hoàng Sa, giữa biển Đông; tổ hợp nước biển dâng và sóng ở khu vực ven bờ cao từ 4 - 5m.
 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An tham gia họp trực tuyến. Ảnh: Phú Hương
Sau khi nghe báo cáo tình hình chuẩn bị ứng phó siêu bão tại các địa phương chịu ảnh hưởng, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chủ động để có những biện pháp ứng phó hiệu quả nhất, nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão.
Trước hết, BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các lực lượng vũ trang, chủ động xây dựng ngay phương án ứng phó với siêu bão. Trong đó chú trọng chuẩn bị đầy đủ lực lượng, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để ứng phó, cứu nạn cứu hộ kịp thời khi bão vào; thường xuyên cập nhật thông tin của cơn bão, công bố kịp thời những vùng biển nguy hiểm khi bão vào để các địa phương và người dân chủ động phòng tránh.
Các lực lượng vũ trang giúp người dân xã Xiêng My, huyện Tương Dương sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm do lũ lụt. Ảnh: Phú Hương

Chủ động các biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn trên biển; rà soát, hướng dẫn tất cả phương tiện hoạt động trên biển ra khỏi khu vực nguy hiểm, vào khu tránh trú neo đậu an toàn, nhất là các phương tiện hoạt động xa bờ; khi tàu đã vào tránh trú, phải kiên quyết cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi; đảm bảo an toàn lồng bè khu vực ven biển, chủ động sơ tán người dân và khách du lịch ở các đảo, vùng biển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Trên đất liền, phải đảm bảo an toàn cho các công trình, nhà cửa của người dân. Giao Bộ Xây dựng phối hợp cùng các địa phương rà soát lại các công trình không đảm bảo; tổ chức cắt tỉa cây, chằng néo nhà cửa; các công trình công cộng trường học, trụ sở làm việc, các công trình hạ tầng giao thông, điện, thông tin liên lạc để hạn chế thấp nhất thiệt hại, tránh mất điện, thông tin liên lạc bị ngắt quãng. Phối hợp các chủ cơ sở thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn các công trình sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở dịch vụ; đặc biệt an toàn người ở các công trình đang thi công; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hoa màu, giảm thiểu thiệt hại. Đặc biệt, có phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm cũng như đảm bảo an toàn hồ đập

Tàu thuyền Nghệ An về nơi trú ẩn an toàn trước bão số 3. Ảnh tư liệu
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông tiếp tục đưa thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời trên cơ sở dự báo của các cơ quan KTTV cũng như thông tin về quá trình ứng phó với cơn bão của các địa phương, các lực lượng. Bộ Ngoại giao chủ động liên hệ với các nước và vùng lãnh thổ để hỗ trợ việc cứu hộ tàu thuyền, ngư dân khi cần thiết. Toàn bộ lực lượng, người dân phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để có thể ứng phó kịp thời với mọi tình huống. Các địa phương phân công nhiệm vụ cho cán bộ trực tiếp chỉ đạo tại những địa bàn quan trọng để có sự chỉ đạo ứng phó tốt hơn, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước.