bna__hang_banh_keo_tai_cho_vinh_dong_khach_dip_cuoi_nam2_anh_lam_tung865888_2312019.jpgCác quầy hàng bánh kẹo đông khách dịp cuối năm. Ảnh: Lâm Tùng
Chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,67% 
P.V:Thưa ông, công việc điều hành, bình ổn giá trong dịp Tết là rất quan trọng. Vậy ông đánh giá thế nào công tác quản lý, điều hành giá năm qua?
Ông Trần Việt Dũng: Theo số liệu của Cục Thống kê Nghệ An, chỉ số giá tiêu dùng năm 2018 tăng 4,67% so với năm 2017 (tăng cao hơn 1,13% so với mức tăng bình quân chung của cả nước). 
Nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng năm 2018 tăng chủ yếu do giá dịch vụ khám bệnh được điều chỉnh tăng. Ngoài ra do tác động của việc tăng giá xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng đã tác động lên nhiều nhóm hàng. 
Năm 2018, Sở Tài chính đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về điều hành giá. Nổi bật các quyết định về điều chỉnh giá đất, phê duyệt giá khởi điểm đấu giá đất, quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị…
Trong năm 2018, Sở Tài chính đã thực hiện rà soát danh sách đăng ký giá, kê khai giá, tham mưu UBND tỉnh ban hành danh sách mới về việc phê duyệt danh sách các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An thực hiện đăng ký giá, kê khai giá, thông báo giá.
Sở Tài chính đã thực hiện kiểm tra, rà soát 158 hồ sơ về kê khai giá của các doanh nghiệp, không để doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý.
Sở Tài chính cũng kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục và thẩm quyền định giá trên địa bàn tỉnh. Về việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế đảm bảo theo hướng dẫn cấp trên.
Đến nay giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được thay đổi theo quy định tại Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế. Sở Y tế đang phối hợp với các sở, ngành liên quan để tham mưu trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp lần thứ nhất (dự kiến vào tháng 7/2019) để áp dụng triển khai trên địa bàn tỉnh. Lộ trình thực hiện đối với thu học phí ổn định mức thu theo Nghị quyết số 53/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 của HĐND tỉnh.
Trong năm các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Hải quan đã kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch chỉ đạo của cấp trên, tổng tiền phạt nộp ngân sách hơn 4 tỷ đồng. 
Chủ động  bình ổn giá hàng Tết 
 
P.V:Kế hoạch, biện pháp quản lý, điều hành giá và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 như thế nào, thưa ông? 
Ông Trần Việt Dũng: Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-BTC/2018 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, Sở Tài chính đã có Công văn số 27/STC-QLG&CS/2019 tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết. Cụ thể:
Sở Tài chính, Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi sát diễn biến cung - cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân. Trường hợp giá cả thị trường có biến động bất thường có văn bản gửi Sở Tài chính để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật.
Công nhân Công ty CP lương thực Thanh Nghệ Tĩnh chuẩn bị đưa hàng về các điểm bán bình ổn. Ảnh: Việt Phương
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh đề xuất kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định cho người dân vùng gặp thiên tai, lũ lụt, cứu đói cho dân trong thời kỳ giáp hạt và trong dịp Tết theo đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội.
Cục Thuế chủ trì, phối hợp các ngành liên quan tăng cường đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, thanh tra chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế và chuyển giá, chấn chỉnh công tác hoàn thuế.
Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng trong dịp lễ, Tết, cao điểm để tăng giá cước vận tải ở mức cao và các trường hợp không thực hiện việc kê khai, niêm yết giá; công bố công khai tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực hiện nghiêm, triệt để, có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là đối với các mặt hàng vũ khí, chất nổ, pháo, hàng hóa vi phạm môi trường, các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán như thuốc lá, rượu, bia, gia cầm, thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu; đặc biệt ở những khu vực địa bàn trọng yếu, giáp biên giới.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nguồn hàng phục vụ tết Nguyên đán. Ảnh: Việt Phương
Sở Tài chính cùng các sở giám sát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp, không để doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, kê khai giá, niêm yết giá. Không để xảy ra hiện tượng lợi dụng thời điểm Tết để tăng giá dây chuyền, tác động ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
UBND tỉnh cũng giao UBND các huyện, thành phố, thị xã báo cáo tình hình giá cả thị trường và các biện pháp, chương trình bình ổn thị trường kịp thời.
Sức mua hàng hóa tăng 20% - 30%
 
P.V:Dự báo diễn biến cung - cầu, tình hình giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 như thế nào, thưa ông? 
Ông Trần Việt Dũng: Theo nhu cầu tiêu dùng các tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán sức mua hàng hóa tăng khoảng 20% - 30% so với các tháng khác, tức tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt khoảng 6.600 tỷ đồng/tháng. Dự kiến nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán như sau:
Lương thực nhu cầu tiêu dùng khoảng 26.000 tấn/tháng, thực phẩm khoảng 6.000 tấn thịt hơi/tháng, dự kiến tháng Tết nhu cầu có thể lên 9.000 tấn. Hiện tại, nguồn thịt gia súc, gia cầm sản xuất trên địa bàn tỉnh đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu. 
Vận chuyển hàng Tết lên vùng cao Quế Phong. Ảnh: Quang An
Sau Tết Nguyên đán, giá cả các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm sẽ giảm dần và quay về mức ổn định như những ngày thường.
Thủy, hải sản khoảng 2.000 tấn/tháng, dự kiến nhu cầu tháng Tết lên 3.000 tấn. Mặt hàng này Nghệ An tự cung cấp cho thị trường trên địa bàn tỉnh và các thị trường các tỉnh, thành khác.
Dự báo mặt hàng cung - cầu sẽ tăng từ 10 - 15% do trong dịp cuối năm nhu cầu chế biến gia tăng, mặt khác sản lượng thu hoạch đối với mặt hàng này phụ thuộc nhiều vào các điều kiện thời tiết. 
Ngoài các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng còn tập trung vào các mặt hàng truyền thống như bánh mứt, kẹo, nước giải khát... 
Để kịp thời bình ổn thị trường vào thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, Sở Công Thương đã có Công văn số 1807/SCT-QLTM ngày 26/11/2018 tham mưu UBND tỉnh về hỗ trợ dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán năm 2019. Nghệ An sẽ dự trữ 3 mặt hàng với tổng giá trị hàng hóa là 68,3 tỷ đồng. Trong đó, gạo tẻ 2.650 tấn, gạo nếp 100 tấn, dầu ăn 1.000.000 lít. UBND tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp lãi suất vay ngân hàng để mua hàng dự trữ trong 3 tháng.
Công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng được tỉnh triển khai quyết liệt. 
Ngày 25/12/2018 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 805/KH-UBND về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Trong đó tập trung đấu tranh đối với các tổ chức, cá nhân buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, các chủ phương tiện có dấu hiệu vận chuyển hàng lậu, hàng giả; các tổ chức, cá nhân lợi dụng cơ chế, chính sách kinh doanh xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất để buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép. 
P.V: Xin cảm ơn ông!