Theo số liệu tổng hợp, tính đến ngày 30/11/2021, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới cho 106 dự án và điều chỉnh 118 lượt dự án đầu tư với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 28.072,80 tỷ đồng; tăng 41,33% về số lượng dự án và gấp 2,92 lần về tổng mức đầu tư đăng ký so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn đã đến tìm hiểu đầu tư tại tỉnh Nghệ An như Công ty CP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang, Tập đoàn APEC, Tập đoàn Huali, Tập đoàn Mobifone, Tập đoàn Zuru, Tập đoàn Viettel, Công ty CP Đầu tư Vinh Central, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn AEON Mall... Đó là kết quả của quá trình nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư của chính quyền các cấp, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh.
Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế của địa phương việc thu hút các nhà đầu tư lớn về Nghệ An vẫn còn đang gặp nhiều trở ngại khó khăn, hiệu quả của công tác xúc tiến đầu tư vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Liên quan đến chiến lược xúc tiến đầu tư, nhất là đối với các thị trường khó tính thì cần phải xây dựng được bộ tài liệu, danh mục ưu tiên thu hút cần phải được xây dựng một cách cụ thể, chi tiết, xây dựng các danh mục dự án đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đồng thời, cần tìm hiểu kỹ thị trường mà mình mong muốn xúc tiến để thuyết phục tỉnh trong việc thu hút, mời gọi đầu tư.
Bà Trần Thị Huế - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Bắc, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dòng vốn FDI đã có sự dịch chuyển nhất định, các nhà đầu tư lớn đã cân nhắc việc dịch chuyển dòng vốn đến các thị trường an toàn để phân tán rủi ro, trong đó có khu vực châu Á. Nếu dòng vốn này dịch chuyển thì Việt Nam cũng sẽ là một trong các nước được hưởng lợi.
Bà Huế cũng nhấn mạnh, Nghệ An cũng cần điều chỉnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm mang tầm quốc gia, thể hiện tính liên ngành, liên vùng, gắn với thị trường, đối tác đầu tư và dự án cụ thể. Cần chủ động đề xuất các lĩnh vực, dự án quan trọng, tập đoàn lớn cần thu hút đầu tư, từ đó có phương án triển khai, từ nghiên cứu, tiếp cận, hỗ trợ, khảo sát, đến thực hiện các thủ tục đầu tư và hỗ trợ sau đầu tư.
Một trong những vấn đề quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thu hút đầu tư chính là nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh so với các địa phương khác. Theo nhiều chuyên gia, để nâng cao được chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thì trước hết cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành (DDCI).
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng: Chỉ số DDCI là phép đo lường chất lượng quản trị địa phương, tác động lớn đến việc cải thiện chỉ số PCI. Chính vì thế, cần phải xây dựng được hệ thống đánh giá từ bên trong (đánh giá tổ chức, đánh giá cán bộ), và đánh giá bên ngoài (đo lường tính hiệu quả). Phải xây dựng được thước đo để đánh giá hiệu quả hoạt động của các sở, ngành. Lấy ý kiến cảm nhận, đánh giá của người dân đối với cơ quan Nhà nước thông qua các hoạt động giao dịch, tương tác, giải trình...
Ông Hoàng Vĩnh Trường - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và của tỉnh Nghệ An nói riêng.
Thông qua công tác chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, triển khai đồng bộ các giải pháp, việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng đã có nhiều bước chuyển biến. Riêng hoạt động xúc tiến đầu tư đã được đổi mới theo hướng linh hoạt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Nhờ đó mà kết quả thu hút đầu tư năm 2021 của Nghệ An vẫn có nhiều điểm sáng, so với cùng kỳ năm 2020, số lượng dự án đầu tư vào Nghệ An tăng 30,5%, tổng mức đầu tư tăng gấp 4,97 lần.
Ông Trường cũng đánh giá, việc tổ chức Hội nghị “Trao đổi kinh nghiệm công tác xúc tiến và hỗ trợ nhà đầu tư trong nước và nước ngoài” vừa trực tiếp và trực tuyến đã góp phần nâng cao trình độ, nghiệp vụ và kỹ năng trong công tác xúc tiến đầu tư. Thông qua ý kiến của các chuyên gia, sẽ giúp cho đội ngũ những người làm công tác hỗ trợ, xúc tiến đầu tư ở Nghệ An cập nhật được nhiều kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế và tác động đến phương thức xúc tiến đầu tư, đồng thời đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư FDI và khuyến nghị sự chuẩn bị của tỉnh Nghệ An. "Chưa kể hoạt động này còn góp phần tăng cường công tác hợp tác liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, nhằm tận dụng nguồn lực và lợi thế giữa các địa phương có nhiều đổi mới trong công tác xúc tiến thu hút các nhà đầu tư" - Ông Trường nhấn mạnh.