Hàng hóa từ Nghệ An được xuất khẩu tới hơn 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hồng Kông…; các doanh nghiệp tăng thêm được 15 thị trường. Vận dụng lợi thế từ các FTA, một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhanh sang các nước thuộc EU và CPTPP.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu trên 57 nhóm/mặt hàng các loại. Cơ cấu các nhóm mặt hàng cũng đã có sự thay đổi rõ nét: kim ngạch nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ lệ 77,5%; nhóm hàng nông lâm thủy sản năm 2020 chiếm 11,44%. Hoạt động xuất khẩu năm 2020 diễn ra với sự tham gia của 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 5 doanh nghiệp đạt kim ngạch trên 30 triệu USD, 12 doanh nghiệp đạt trên 20 triệu USD; 24 doanh nghiệp đạt mức kim ngạch từ 10 triệu USD trở lên.
Đến nay, nước ta gần như hoàn tất việc mở cửa tiếp cận thị trường mới, với 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đang đàm phán, cũng như kết thúc đàm phán một số FTA. Cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa khi nước ta tham gia các FTA thế hệ mới là rất lớn bởi theo lộ trình cam kết thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ dần được cắt giảm và xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam tại nhiều thị trường lớn. Đặc biệt, các cơ hội tích hợp của các FTA mang lại là rất lớn, nhất là trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), FTA với EU (EVFTA) và hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, để tận dụng tốt các cơ hội, chúng ta cũng cần nhận diện rõ các thách thức để chủ động vượt qua.
Theo ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương, thì trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và các doanh nghiệp tỉnh Nghệ An phải nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực cạnh tranh để kịp thời thích ứng với tình hình xuất nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh là các tỉnh nằm ở vùng Bắc Trung Bộ, kinh tế - xã hội và các mặt khác còn gặp nhiều khó khăn. Việc phối hợp giữa các tỉnh để hình thành và phát triển các vùng kinh tế là rất quan trọng.
Với quy hoạch gần 200.000 ha rừng trồng, mỗi năm Nghệ An có khả 15.000 ha, thu hoạch khoảng 500.000 m3 nguồn nguyên liệu tiềm năng để phát triển gỗ và các sản phẩm gỗ. Ngoài ra, rừng Nghệ An (khoảng trên 685.000 ha, trong đó rừng kinh tế trên 176.000 ha) còn có các loại lâm sản, song, mây, dược liệu tự nhiên phong phú để phát triển các mặt hàng xuất khẩu. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ khi các thị trường xuất khẩu lớn của ngành hàng gỗ, mỹ nghệ tiếp tục duy trì đà phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời thâm nhập mở rộng khai thác các thị trường tiềm năng, thị trường mới.
Với nguồn nguyên liệu tự nhiên, Nghệ An có nguồn cung dồi dào về vật liệu xây dựng như xi măng, tấm lợp, bê tông đúc sẵn,...Vật liệu xây dựng là một trong những mặt hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch cao, thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển mà Nghệ An có thể nghiên cứu, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất và xuất khẩu.
Ngoài ra, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đã được phê duyệt liên quan đến sản xuất và chế biến các hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản.
Trong bối cảnh nhận thức của người dân cũng như của Chính phủ các nước về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe, nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc,... Nghệ An cũng cần chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đa chức năng, nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao, tăng cường kiểm soát nguồn cung, đảm bảo chất lượng sản phẩm và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường./.