Hơn 58% đơn thư khiếu nại, tố cáo sai sự thật
Thẩm tra báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020, các thành viên dự họp cơ bản đồng tình cao với dự thảo do Thanh tra tỉnh trình bày.
Trong đó, công tác tiếp công dân thường xuyên và định kỳ của các cơ quan Nhà nước các cấp, nhất là tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và thủ trưởng các cơ quan được quan tâm, góp phần giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo, bởi thông qua tiếp dân, nhiều kiến nghị, phản ánh của công dân được làm rõ nên không phát sinh đơn thư từ công dân.
Các cấp, các ngành cũng tích cực giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân với tỷ lệ giải quyết khiếu nại toàn tỉnh đạt 85% và tỷ lệ giải quyết tố cáo đạt 88,2%.
Điều đáng quan tâm, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện sai phạm và đề nghị các cấp có thẩm quyền kỷ luật hành chính 4 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra 2 vụ việc.
Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo cũng được Thanh tra tỉnh quan tâm với tổng 70 cuộc và 83 đơn vị được thanh tra, kiểm tra. Kết quả có 20/83 đơn vị có sai phạm; kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 64 tổ chức và 290 cá nhân.
Tuy nhiên, một số thành viên tham gia cuộc thẩm tra cũng đặt ra băn khoăn về đoàn đông người qua tiếp công dân tăng, trong đó, tiếp công dân thường xuyên là 14 đoàn với 15 vụ việc (có 12 vụ việc phát sinh mới); tiếp công dân định kỳ, đột xuất của lãnh đạo 14 đoàn với 47 vụ việc (35 vụ việc phát sinh mới). Mặt khác, tỷ lệ khiếu nại, tố cáo sai cao. Cụ thể, khiếu nại sai chiếm 58,8% và tố cáo sai chiếm 58,5%.
Bên cạnh đó, mặc dù qua thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 64 tổ chức và 290 cá nhân. Tuy nhiên, mới chỉ có 14 tổ chức và 50 cá nhân bị kiểm điểm, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Thái Thị An Chung đặt ra vấn đề chất lượng kiến nghị qua thanh tra, kiểm tra?
Kết luận về nội dung này, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng đề nghị Thanh tra tỉnh cần nghiên cứu cơ chế, biện pháp để hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo sai; đồng thời đưa ra các biện pháp nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tránh tình trạng tồn tại, hạn chế, nguyên nhân kỳ nào cũng nêu lặp đi, lặp lại mà không có chuyển biến.
Liên quan đến các vụ việc phức tạp, kéo dài, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị Thanh tra tỉnh cần chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu tập trung giải quyết một số vụ việc mang tính cấp bách, phổ biến ở nhiều địa phương; quan tâm trả lời đơn thư do HĐND tỉnh chuyển đến; tăng cường đối thoại, hòa giải ở cơ sở nhằm giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…
Cần có giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả
Cũng trong chiều nay, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng đã tiến hành thẩm tra các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo công tác của Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2020.
Cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng cho rằng, thực tiễn vụ việc tham nhũng được phát hiện qua công tác tự kiểm tra, thanh tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị là khó, chỉ trừ nơi nào nội bộ mất đoàn kết. Bởi vậy, cần tăng cường các giải pháp để phát huy hiệu quả tự kiểm tra, thanh tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm nâng hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ các cơ quan.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường phối hợp với các cơ quan tố tụng nhằm ngăn chặn sai phạm trong cán bộ, công chức.
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng lưu ý một số nội dung đối với các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình.
Cụ thể, đối với Tòa án tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng xét xử ở tòa án cấp huyện; quan tâm giải quyết án dân sự hành chính; phối hợp với UBND tỉnh để tăng cường chỉ đạo các sở, ngành và cấp huyện khi bị khởi kiện vụ án hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội Thẩm nhân dân để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ xét xử.
Đối với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cần quan tâm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tăng cường các biện pháp nắm, quản lý và kiểm sát chặt chẽ việc phân loại, xử lý tố giác, tin báo tội phạm của cơ quan điều tra…
Đối với Cục Thi hành án dân sự tỉnh cần tăng cường phối, kết hợp với cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng trong công tác thi hành án dân sự, nhất là các việc phải tổ chức cưỡng chế để thi hành án, ngăn chặn tẩu tán tài sản để thi hành án…