Vào ngày 1/4/2018, Khoa Hồi sức chống độc - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận điều trị cho bé trai Nguyễn Văn Thông Sáng (19 tháng tuổi), quê ở huyện Nam Đàn, nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phù toàn thân, suy gan nặng, máu bị rối loạn và có hơn hàng chục vết ong đốt từ đầu đến chân.
Tại đây, các bác sĩ bệnh viện phải mất hơn 1 giờ đồng hồ để gắp các nọc ong, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp điều trị tích cực như thở máy, lọc máu... Sức khỏe của cháu Sáng sau 3 ngày điều trị đã phần nào hồi phục hơn.
Tuy nhiên, đây là ca bệnh rất nặng, bệnh nhi còn nhỏ tuổi, lại bị nhiều vết ong cắn, nọc của ong mật rất độc nên bệnh nhân cần theo dõi chặt chẽ diễn tiến bệnh.
Gia đình cháu Sáng cho biết, trong vườn nhà nuôi nhiều tổ ong để lấy mật, do cháu Sáng hiếu động chọc phá, làm động tổ ong nên bị ong tấn công và đốt liên tục vào người...
Sự việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo các bậc cha mẹ cần phải chú ý nhiều hơn đến con trẻ, nhất là những gia đình nuôi ong. Các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khuyến cáo: Hàng năm, vào mùa hè, số trẻ bị ong đốt tăng lên rất nhiều do đây là mùa có nhiều loại hoa quả như dứa, nhãn, vải… thu hút ong. Ngoài ra, khi hè đến, trẻ em được nghỉ học ở trường, quá trình vui chơi ở nhà thường hiếu động chọc phá tổ ong và bị ong đốt.
Thông thường, ong đốt không gây nguy hiểm, nhưng nếu vết đốt nhiều hoặc bị đốt ở các vị trí như đầu, mặt, cổ... sẽ dẫn đến dị ứng với nọc ong, bị sốc hoặc bị nhiễm độc…có thể nguy hiểm đến tính mạng.