(Baonghean) - Có một người lính từng đi qua hai cuộc chiến tranh, gia tài lớn nhất của đời quân ngũ là 6 tập nhật ký chiến trường, trong đó có những trang ghi lại cảm xúc trong ngày Tết. Mỗi lần đón Tết, ông lại lần giở những dòng chữ năm xưa với nỗi bâng khuâng, xao xuyến...
Trong nếp nhà xưa, ông Đặng Duy Huỳnh ở xóm 9, xã Phúc Sơn (Anh Sơn) đang sống với “miền ký ức” với tập nhật ký chiến trường. Ông chia sẻ: “Suốt 12 năm quân ngũ, đi qua những trận chiến khốc liệt, không ít lần đối mặt với cái chết nhưng tôi vẫn quyết tâm giữ bằng được mấy tập nhật ký, đó là tài sản có giá trị nhất trong ngày trở về”.
Ngược dòng thời gian, trở về với gần 47 năm trước, Đặng Duy Huỳnh (SN 1946) đang là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ đang vô cùng ác liệt, chiến trường cần chi viện lực lực y, bác sỹ để chăm sóc, cứu chữa thương binh, ông Huỳnh cùng 99 người bạn cùng khóa học được điều động lên đường.
Hành trang mang vào chiến trường ngoài quân phục, vũ khí, thuốc men và các loại nhu yếu phẩm còn có tập giấy pơ luya và mấy chiếc bút bi. Những người lính trẻ ra đi từ giảng đường thường rất lãng mạn, họ thường có thói quen ghi chép những câu chuyện xẩy ra thường ngày và bộc bạch những suy tư, gửi gắm những nỗi niềm của người trong cuộc. Để rồi, khi cuộc chiến đi qua, có không ít những tập nhật ký có giá trị, giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về người lính thời đánh Mỹ.
May mắn hơn những đồng đội đã ngã xuống, ông Đặng Duy Huỳnh chỉ bị thương, được về quê hương đoàn tụ với gia đình và mang theo 6 tập nhật ký, là những dòng ghi chép chiến sự, công việc, sinh hoạt và tâm tư trong quãng thời gian 5 năm (1971-1975). Ở đó, có không ít những trang ghi lại cảnh chiến sự ác liệt, như: “4h30, B52 đánh trúng bãi để xe đoàn nhưng xe chỉ bị cây đè. Đang nghỉ trưa, bất thình lình nhảy ra khỏi võng, men tới cửa hầm thì loạt bom đầu đã nổ hết. 5h chiều cả đoàn qua sông Sài Gòn...”.
Với người lính trận, khát khao lớn nhất là được đón một cái Tết sum vầy, đoàn tụ: “Ngày 28/1/1973: Ngày đình chiến đã đến, bao nhiêu năm đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh, gay go và ác liệt. Từ 7 giờ sáng hôm nay đã bắt đầu ngừng bắn theo Hiệp định. Một vài khu vực xung quanh vẫn còn tiếng pháo lớn, mấy ngày qua B52 có đánh nhưng ít hơn. Bao nhiêu hy vọng, đợi chờ của dân tộc hôm nay đã đến. Không khí ngừng bắn có vẻ dễ chịu thật. Gia đình chắc đang chuẩn bị đón một cái Tết ngừng tiếng súng mà bao nhiêu năm qua không thể nào có được...”.
Và đây là tâm sự của Đặng Duy Huỳnh vào ngày mồng 1 Tết Qúy Sửu (1973): “Đón một cái Tết giữa đất miền Nam vừa ngừng tiếng bom rơi. Khách rầm rập suốt ngày. Xuân lại tới, mỗi một mùa Xuân qua cuộc sống càng thiếu đi một cái gì gần gũi, nhất là tình cảm với gia đình. Những mùa Xuân cứ qua dần, tình yêu của vợ chồng chúng ta cứ gián cách, mỗi mùa Xuân đến anh lại thêm một nếp nhăn và em thì tuổi Xuân cứ qua dần...”.
Đón tết Ất Mão (1975) giữa chiến trường, trong đêm giao thừa, ông bộc bạch dòng cảm xúc: “30 Tết (10/2/75). 21 giờ... Thời gian cứ trôi, tết thứ 5 ở chiến trường. Xuân đến sao tâm hồn không rạo rực? Có phải do mình đón Xuân xa đơn vị không? Có lẽ thế!... Giờ này chắc cha mẹ đang quây quần bên bếp lửa, chắc nhớ con nhiều. Giao thừa sắp đến rồi đó. Tết này nữa thiếu con chắc cha mẹ thêm một nỗi lo, buồn, nhà thừa hẳn đi một góc mươn...”.
Và đây là tâm trạng của ông Huynh trong phút giao thừa thiêng liêng: “Xuân Ất Mão, giao thừa, 0 giờ... Giao thừa đến cả mọi miền Tổ quốc/ Xuân đã về, ôi cuộc sống trào dâng/ Xuân Ất Mão đưa ta vào chiến trận/ Cuộc đọ sức này chiến thắng sẽ về ta”. Chiến sỹ quân y Đặng Duy Huỳnh may mắn được có mặt trong ngày Đại thắng mùa Xuân 1975, được chứng kiến phút giây chiến thắng và niềm hạnh phúc vỡ òa.
Giây phút ấy đã được ông ghi lại: “30/4, vào lúc 17 giờ 30. Rạo rực, vui sướng biết bao. 17 giờ, Đài báo tin Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Mình vẫn nghĩ rồi phải mất mấy tuần mới chiếm được Sài Gòn là nhanh. Không khí hôm nay khác hẳn, mọi người cả nhân viên và thương binh đều phấn khởi, không khí chiến thắng rộn hẳn lên. Tiếc là không có cái máy nào để ghi lại tâm trạng mọi người lúc này và không khí hôm nay. Vui sướng và rạo rực làm sao...”.
Lưu giữ tập nhật ký ấy, người lính quân y Đặng Duy Huỳnh muốn khắc ghi những năm tháng sôi nổi, hào hùng của tuổi trẻ. Mỗi khi cháu con sum vầy và có đồng đội ghé thăm, ông lại lần giở những tập nhật ký, ở đó mỗi trang là một câu chuyện...
Công Kiên